Bi kịch của người Rohingya - nhóm dân tộc bị chối bỏ tại Myanmar

Người Rohingya và cuộc di tản quy mô lớn khỏi Myanmar đang trở thành tiêu điểm của cuộc tranh cãi liên quan đến nhân quyền. Vậy những người Rohingya là ai và căn nguyên nào khiến họ rơi vào tình thế nhiều bi kịch hiện nay?

Rohingya là nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi đã sống ở đất nước Myanmar trong nhiều thế kỷ. Theo đài Al Jazeera, có khoảng 1,1 triệu người Rohingya sống tại Myanmar, chủ yếu tập trung tại bang miền Tây Rakhine.

Chính phủ Myanmar từ chối công nhận người Rohingya là công dân nước này mà thay vào đó coi họ là người gốc Bangladesh. Dựa trên dữ liệu của Liên Hợp Quốc trong tháng 5, hơn 168.000 người Rohingya đã rời Myanmar kể từ năm 2012.

Người Rohingya mang theo con cái họ vượt biên giới qua sông Naf tại Teknaf, Bangladesh. Ảnh: Reuters

Người Rohingya nói ngôn ngữ riêng của họ là Ruaingga. Rohingya không được xếp vào danh sách 135 nhóm dân tộc chính thức tại Myanmar và họ không được công nhận quyền công dân tại đất nước Đông Nam Á này kể từ năm 1982.

Nhiều nhà sử học cho biết người Rohingya theo đạo Hồi đã xuất hiện tại Myanmar kể từ đầu thế kỷ 12. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ghi nhận rằng trong hơn 100 năm Myanmar bị Anh quốc đô hộ (1824-1948), có số lượng lớn người lao động từ Ấn Độ và Bangladesh đã đến Myanmar.

Khi đó chính quyền đế quốc Anh coi Myanmar là một tỉnh của Ấn Độ do vậy sự di cư của người lao động Ấn Độ và Bangladesh khi đó được coi là trong nội bộ một quốc gia.

Sau khi giành được độc lập khỏi đế quốc Anh vào năm 1948, chính phủ Myanmar coi người nhập cư trong thời gian Anh cai trị là “bất hợp pháp” do vậy họ từ chối công nhận quyền công dân đối với đại bộ phận người Rohingya.

Vào thời điểm đó, đạo luật Công dân liên bang được thông qua, cho phép những cá nhân có gia đình sống tại Myanmar ít nhất 2 thế hệ được đệ đơn xin đăng ký thẻ căn cước. Do vậy, có một số người Rohingya thậm chí được làm việc trong quốc hội Myanmar.

Nhưng sau cuộc đảo chính năm 1962 tại Myanmar, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn với người Rohingya. Cộng đồng Rohingya chỉ được nhận thẻ căn cước cho người nước ngoài do vậy cơ hội việc làm và giáo dục của họ bị hạn chế rất nhiều.

Người Rohingya bị giữ lại bởi Lực lượng biên phòng Bangladesh do vượt biên trái phép tại Teknaf, Bangladesh. Ảnh: Reuters

Vào năm 1982, luật công dân mới được thông qua tại Myanmar và một lần nữa người Rohingya không nằm trong nhóm 135 dân tộc chính thức. Ở thời điểm đó công dân tại Myanmar bị chia thành 3 mức độ, để được xếp vào mức cơ bản nhất là công dân nhập tịch, phải có bằng chứng rằng gia đình của cá nhân này đã sống tại Myanmar từ trước năm 1948 và thông thạo một trong những ngôn ngữ của quốc gia này. Nhiều người Rohingya thiếu giấy tờ để chứng minh điều này.

Từ đó, quyền được học, làm việc, du lịch, thực hiện tín ngưỡng, kết hôn và lập gia đình của người Rohingya tiếp tục bị hạn chế. Người Rohingya không được bầu cử và ngay cả khi đã vượt qua các vòng xem xét, họ vẫn bị coi là người nhập cư, đồng thời bị hạn chế không thể làm việc các chuyên ngành như y tế, luật hoặc vào cơ quan chính phủ.

Người Rohingya tại trại tị nạn ở Bazar, Bangladesh. Ảnh: Reuters

Kể từ thập niên 1970 của thế kỷ trước, đã có nhiều cuộc trấn áp với người Rohingya ở bang Rakhine buộc hàng trăm, hàng nghìn người phải tháo chạy đến Bangladesh hoặc Malaysia, Thái Lan và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

Gần đây, tin tức thời sự liên quan đến người Rohingya đã xuất hiện nhiều hơn bởi quân đội Myanmar đẩy mạnh trấn áp sau khi một căn cứ quân sự và cơ sở cảnh sát bị tấn công vào cuối tháng 8. Liên Hợp Quốc cho biết kể từ ngày 25/8, hàng trăm đến hàng nghìn người Rohingya tại Myanmar đã trốn chạy đến biên giới Bangladesh.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Cố vấn Suu Kyi kêu gọi quốc tế hỗ trợ Myanmar trong vấn đề người Rohingya
Cố vấn Suu Kyi kêu gọi quốc tế hỗ trợ Myanmar trong vấn đề người Rohingya

Ngày 19/9, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nước này trong nỗ lực đoàn kết các tôn giáo và sắc tộc, đồng thời cam kết cho phép hồi hương một bộ phận người Hồi giáo Rohingya phải rời khỏi Myanmar vì bạo lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN