TikTok sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á

Ngày 15/6, ứng dụng video ngắn TikTok thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc ByteDance cho biết họ sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á trong vài năm tới.

Chú thích ảnh
Ông Shou Zi Chew phát biểu tại Jakarta vào ngày 15/6. Ảnh: AFP

Theo kênh CNBC, Đông Nam Á là khu vực có dân số 630 triệu người, trong đó một nửa dưới 30 tuổi. Đây là một trong những thị trường lớn nhất của TikTok xét về số lượng người dùng.

Nhưng TikTok vẫn chưa biến được lượng người dùng lớn này thành nguồn doanh thu thương mại điện tử lớn trong khu vực vì phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ lớn hơn là Shopee của Sea, Lazada của Alibaba và Tokopedia của GoTo.

Giám đốc điều hành TikTok, ông Shou Zi Chew cho biết tại một diễn đàn do công ty tổ chức ở Jakarta (Indonesia): “Chúng tôi sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Indonesia và Đông Nam Á trong vài năm tới”.

TikTok không cung cấp bảng phân tích chi tiết về kế hoạch chi tiêu, nhưng cho biết họ sẽ đầu tư vào đào tạo, quảng cáo và hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ muốn tham gia nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.

Ông Chew cho biết nội dung trên nền tảng TikTok đang trở nên đa dạng hơn khi có thêm nhiều người dùng hơn và nội dung mở rộng ra ngoài quảng cáo để lan sang lĩnh vực thương mại điện tử, cho phép người tiêu dùng mua hàng thông qua các liên kết trên ứng dụng trong khi phát trực tiếp.

Ông nói thêm rằng TikTok có 8.000 nhân viên ở Đông Nam Á và 2 triệu nhà cung cấp nhỏ bán sản phẩm trên nền tảng ở Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, các giao dịch thương mại điện tử trên toàn khu vực đã đạt gần 100 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó Indonesia chiếm 52 tỷ USD.

TikTok đã tạo ra số giao dịch trị giá 4,4 tỷ USD trên khắp Đông Nam Á vào năm ngoái, tăng từ 600 triệu USD vào năm 2021, nhưng con số này vẫn kém xa so với doanh số bán hàng hóa trong khu vực có giá trị 48 tỷ USD của Shopee vào năm 2022.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Năm 2022, TikTok Shop đã mở rộng sang 6 quốc gia Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Theo ông Sachin Mittal, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu truyền thông và Internet thuộc Ngân hàng DBS, sức hấp dẫn của TikTok là dễ dàng cuốn hút khách hàng thông qua các nội dung sáng tạo và đăng tải trên ứng dụng.
Ông Jonathan Woo, nhà phân tích cấp cao của Phillip Securities Research, cho biết TikTok Shop cũng đang chi một số tiền đáng kinh ngạc để khuyến khích người bán và người mua sử dụng nền tảng này.

Kế hoạch đầu tư của TikTok được đưa ra khi công ty này phải đối mặt với các biện pháp giám sát từ một số chính phủ và cơ quan quản lý vì lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng này để thu thập dữ liệu người dùng hoặc thúc đẩy lợi ích của mình.

Các quốc gia như Anh và New Zealand đã cấm TikTok trên điện thoại của chính phủ. TikTok cho rằng các động thái này dựa trên những quan niệm sai lầm cơ bản và có nguyên nhân địa chính trị.

TikTok đã nhiều lần phủ nhận rằng họ đã từng chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc và cho biết công ty sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu.

Ứng dụng này không phải đối mặt với các lệnh cấm mạnh mẽ ở Đông Nam Á, nhưng cũng đã bị kiểm tra kỹ lưỡng về nội dung.

Indonesia gây ra cho TikTok một trong những thách thức chính sách toàn cầu lớn đầu tiên vào năm 2018, sau khi chính quyền nước này cấm TikTok trong một thời gian ngắn vì các bài đăng chứa nội dung khiêu dâm, nội dung không phù hợp và báng bổ.

Tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cho biết sẽ điều tra các hoạt động của TikTok vì nội dung độc hại trên nền tảng này gây ra mối đe dọa đối với giới trẻ, văn hóa và truyền thống.

Hồi đầu năm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã ra lệnh cho tất cả nhân viên gỡ ứng dụng TikTok khỏi các thiết bị của cơ quan và thiết bị cá nhân nào mà có cả ứng dụng công việc như email do lo ngại về bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng.

Tại Brussels, động thái của Ủy ban châu Âu đã kéo theo một chuỗi các quyết định tương tự của các tổ chức tại Liên minh châu Âu. Cả Hội đồng châu Âu và cơ quan chính sách đối ngoại của EU, đã ban hành lệnh cấm, yêu cầu các nhà ngoại giao và quan chức xóa ứng dụng TikTok khỏi thiết bị của họ.

Trung Quốc đã phản ứng dữ dội với các lệnh cấm của EU, cảnh báo rằng chúng gây nguy hiểm cho niềm tin quốc tế vào thị trường châu Âu và cáo buộc EU lạm dụng an ninh để hạn chế cạnh tranh từ các công ty Trung Quốc.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Các nghị sĩ Mỹ đưa ra dự luật bảo vệ thông tin người dùng TikTok
Các nghị sĩ Mỹ đưa ra dự luật bảo vệ thông tin người dùng TikTok

Ngày 14/6, một nhóm gồm 6 Thượng nghị sĩ và 2 Hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa của Mỹ đã đưa ra dự luật nhằm bảo vệ dữ liệu của người dùng nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN