Tiết lộ cách Ukraine ‘bịt mắt’ tên lửa Nga khi tấn công hệ thống HIMARS

Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tuyên bố đã bắn trúng hàng loạt hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) trên chiến trường Ukraine, nhưng rất có thể đó lại là “hàng giả”.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) của Tiểu đoàn 3, Lực lượng Đặc nhiệm Ukraine phá huỷ hệ thống phòng không BUK-M1 của quân đội Nga. Ảnh: Lực lượng Đặc nhiệm Ukraine

Tạp chí Forbes ngày 5/3 cho biết Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 39 hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS).

Các hệ thống này đã được Ukraine ca ngợi rộng rãi như một loại vũ khí tối tân nhờ khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa có độ chính xác cao, đồng thời có thể cơ động nhanh chóng để tránh bị phản công.

Trên thực tế, HIMARS đã nhanh chóng phát huy sức mạnh khi lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Ukraine vào năm 2022 và được Kiev sử dụng để tấn công các vị trí của quân Nga trên nhiều mặt trận.

Xem video hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) của Tiểu đoàn 3, Lực lượng Đặc nhiệm Ukraine phá huỷ hệ thống phòng không BUK-M1 của Nga. Nguồn: Lực lượng Đặc nhiệm Ukraine

Gần đây, Nga nhiều lần tuyên bố đã phá hủy hệ thống HIMARS ở Ukraine. Gần nhất là vào ngày 12/3, theo giờ địa phương, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga công bố video ghi lại cuộc tấn công nhằm vào hệ thống HIMARS trên chiến trường Ukraine.

Theo RT, đoạn video ngắn dường như được quay từ máy bay không người lái, cho thấy hệ thống HIMARS trúng đòn tập kích và phát nổ. Bộ Quốc phòng Nga không tiết lộ vị trí HIMARS bị tấn công mà chỉ nói rằng hệ phóng này bị máy bay không người lái và đạn pháo Moskva phá hủy trong 24 giờ qua.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên Nga công bố hình ảnh tiêu diệt hệ thống HIMARS. Trước đó vào hôm 5/3, trên mạng xã hội cũng xuất hiện đoạn video về việc quân đội Nga phá hủy hệ thống HIMARS ở Ukraine.

Trong đoạn video, người ta thấy xe chở hệ thống HIMARS đậu ở rìa một cánh đồng và bị bắn trúng bởi một loại vũ khí, dường như là tên lửa Iskander, khiến nó bốc cháy.

Tạp chí Forbes cho rằng mất một hay hai hệ thống HIMARS không phải là đòn chí mạng đối với quân đội Ukraine. Bởi ngoài 39 hệ thống HIMARS nhận được từ Mỹ, Ukraine còn nhận được 25 hệ thống tên lửa phóng loạt M270 do Anh, Đức, Italy và Pháp quyên tặng. Về cơ bản, Ukraine vẫn còn khoảng 98% lực lượng HIMARS và M270.

Chú thích ảnh
Các lực lượng Nga phá huỷ hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) của Ukraine ngày 12/3/2024. Ảnh cắt từ clip của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga

Tuy nhiên, với Nga, họ có thực sự phá huỷ nhiều hệ thống HIMARS như các tuyên bố dồn dập đưa ra từ năm 2022 tới nay hay không? Bởi ngay trước khi Lực lượng Vũ trang Ukraine nhận được những hệ thống HIMARS đầu tiên, một doanh nghiệp lớn của nước này đã tạo ra một bản sao y hệt làm mồi bẫy.

Vào tháng 8/2022, khi Bộ Quốc phòng Liên bang Nga gần như hằng ngày đều đưa tin rằng các lực lượng của họ đã phá huỷ hệ thống HIMARS, tờ Thời báo Washington đã đăng bài nói rằng quân đội Nga đang đi săn hệ thống HIMARS mồi bẫy làm bằng gỗ.

Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên, một nhà ngoại giao Mỹ cũng lưu ý rằng: “Họ (Bộ Quốc phòng Liên bang Nga) tuyên bố đã bắn trúng nhiều hệ thống HIMARS hơn những gì chúng tôi đã gửi đi”.

Xem video ghi lại cuộc tấn công nhằm vào hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao M142 (HIMARS) do Mỹ sản xuất và được quân đội Ukraine vận hành. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/3/2024

Tờ Thời báo Washington cho rằng người Nga đã lãng phí ít nhất 10 quả tên lửa Kalibr vào việc tiêu diệt hàng giả chỉ trong tuần đầu tiên sau khi hệ thống HIMARS bắt đầu được sử dụng ở Ukraine. Giá mỗi tên lửa khác nhau, dao động từ 1 triệu USD (theo Defense Express) đến 6,5 triệu USD (theo Forbes).

Tờ Ukrainska Pravda ngày 11/3 dẫn một nguồn tin ẩn danh tham gia vào dự án phát triển hệ thống HIMARS giả làm mồi bẫy cho biết: "Bề ngoài, mồi bẫy (hệ thống HIMARS) không có gì khác biệt so với nguyên bản, từ những chi tiết nhỏ nhất”.

Ngay cả khi hệ thống HIMARS mồi bẫy di chuyển, âm thanh mà nó phát ra cũng chỉ có chuyên gia mới nhận biết được đó là hàng giả. “Lần đầu tiên nhìn thấy sản phẩm này, một trong những quan chức hàng đầu của Ukraine đã hỏi người đứng đầu công ty rằng ‘HIMARS đang làm gì ở đây?’”, nguồn tin cho biết thêm.

Tuy nhiên, để hình thành một giải pháp đánh lừa tên lửa Nga một cách toàn diện, vẫn cần một kíp điều khiển. Họ là những người được huấn luyện đặc biệt với các thiết bị đặc biệt, nhưng ngồi trên một chiếc xe khác, phát đi tín hiệu tới người Nga rằng có một hệ thống HIMARS đang di chuyển.

Giải pháp này không chỉ đánh lừa được quân Nga, mà còn “bịt mắt” được cả gián điệp của Nga trong quân đội cũng như trong các cộng đồng dân cư địa phương ở Ukraine, vừa giúp Kiev giảm tổn thất, vừa khiến Moskva lãng phí đạn dược cũng như nhân lực.

Thành Nam/Báo Tin tức
Giám đốc IAEA: Không có điều kiện tiên quyết cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột Ukraine
Giám đốc IAEA: Không có điều kiện tiên quyết cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột Ukraine

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết ông không thấy bất kỳ điều kiện nào cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN