Tiếp tục làn sóng biểu tình tại Ai Cập

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 30/8, hàng nghìn người Hồi giáo Ai Cập đã đổ xuống đường biểu tình đòi phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi trong bối cảnh an ninh được thắt chặt nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ bạo lực.

Một cuộc biểu tình ở Ai Cập đòi phục chức cho ông Morsi. Ảnh: AFP


Cuộc biểu tình diễn ra theo lời kêu gọi của Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) dẫn đầu và quy tụ 33 chính đảng và phong trào Hồi giáo. Tuy thu hút được nhiều người tham gia hơn so với các cuộc biểu tình diễn ra trong hai tuần trở lại đây, nhưng cuộc biểu dương lực lượng này vẫn không đạt được quy mô như mong đợi của phe Hồi giáo.

Theo các nhà phân tích, điều này phần nào cho thấy MB không còn khả năng huy động đông đảo người ủng hộ trong bối cảnh hàng loạt thủ lĩnh cấp cao và ít nhất 2.000 thành viên của phong trào này bị bắt giam kể từ ngày 14/8 - thời điểm diễn ra chiến dịch đàn áp mạnh tay của lực lượng cảnh sát đối với hai cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ ông Morsi ở Cairo và tỉnh Giza kế bên.

Trước thềm cuộc biểu tình ngày 30/8, quân đội và cảnh sát triển khai lực lượng và xe bọc thép phong tỏa tất cả lối vào các quảng trường lớn, các địa điểm biểu tình dự kiến, các tuyến giao thông huyết mạch tại thủ đô Cairo và Giza, cũng như các cửa ngõ ra vào thủ đô. Trong khi đó, bất chấp cảnh báo của cảnh sát về việc sử dụng đạn thật để đối phó với những người biểu tình quá khích, hàng nghìn người Hồi giáo vẫn tham gia diễu hành tại các quận Nasr City ở đông bắc Cairo và quận Mohandessin thuộc Giza.

Tại Alexandria - thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm bên bờ Địa Trung Hải - khoảng hơn 10.000 người biểu tình đã tham gia nhiều cuộc tuần hành. Cùng ngày, các cuộc biểu tình và tuần hành cũng diễn ra tại Gharbiya, Fayoum, Suez, Ismailia, Port Said, Beheira, Menoufiya và Assiut. Các quan chức y tế xác nhận đã có ít nhất 6 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các cuộc đụng độ bạo lực giữa những người biểu tình với cảnh sát hoặc với người dân địa phương tại các tỉnh Giza, Sharqiya và Port Said.

Trong một diễn biến khác, phong trào Tamarrod (Nổi dậy) - lực lượng đứng sau làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ hôm 30/6 dẫn tới việc quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Mohamed Morsi - cho biết sẽ ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah al-Sisi trở thành Tổng thống nếu tình hình an ninh vẫn tiếp tục bất ổn. Tuy nhiên, người sáng lập phong trào Tamarrod, ông Mahmoud Badr cho biết phong trào này sẽ ủng hộ một vị Tổng thống dân sự nếu tình hình an ninh ổn định.

Thủ lĩnh phong trào Tamarrod cho biết Tamarrod sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền chính trị Ai Cập và dự kiến sẽ thành lập một chính đảng với mục tiêu đoàn kết người dân. Ông Mahmoud Badr cũng cho biết ông sẽ trở thành chủ tịch đảng này và sẽ ra tranh cử tổng thống khi đủ tuổi theo luật định (40 tuổi), đồng thời cho rằng để hòa giải dân tộc đạt được kết quả, MB nên "xin lỗi người dân Ai Cập, tôn trọng tính hợp pháp của cuộc nổi dậy ngày 30/6 và các sự kiện diễn ra sau đó cũng như cam kết tham gia tiến trình chính trị một cách bất bạo động".

Cùng ngày, cảnh sát Ai Cập đã đột kích các văn phòng của hãng truyền thông Al Jazeera (Qatar), vài giờ sau khi chính quyền lâm thời nước này ra lệnh đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera Mubasher Misr của hãng này với lý do hoạt động thiếu giấy phép, lan truyền những điều "dối trá" và tin đồn gây tổn hại đến an ninh quốc gia. Thời gian gần đây, kênh truyền hình Al Jazeera bị dư luận Ai Cập chỉ trích, thậm chí bị báo giới nước sở tại tẩy chay vì quan điểm thiên vị đối với MB.


TTXVN/Tin tức

Ai Cập dọa dùng đạn thật đối phó biểu tình
Ai Cập dọa dùng đạn thật đối phó biểu tình

Cảnh sát Ai Cập tuyên bố sẵn sàng đáp trả "mạnh mẽ" bất kỳ âm mưu tấn công các cơ quan công quyền, trụ sở cảnh sát và các cơ sở tôn giáo, đồng thời khẳng định quyền "tự vệ chính đáng" bằng đạn thật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN