Tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học Syria đang suôn sẻ

Ngày 23/10, phát biểu tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch bên lề Diễn đàn quốc tế lần thứ ba về phát triển xanh, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã đánh giá cao tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria do các chuyên gia vũ khí của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) và LHQ đang thực hiện tại quốc gia Trung Đông này.

Ông Ban Ki-moon khẳng định ngay từ khi tiến trình này bắt đầu được triển khai, LHQ và OPCW luôn theo dõi "rất sát sao" những gì đang diễn ra trên thực địa. Ông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia vũ khí của hai tổ chức trên đã khảo sát được 19 trong tổng số 23 cơ sở có liên quan tới loại vũ khí trên và nhìn chung, mọi việc đang diễn ra “khá thuận lợi và suôn sẻ”.

(Ảnh chụp qua truyền hình): Các thanh sát viên của tổ chức OPCW làm việc tại một địa điểm chứa vũ khí hóa học ngày 19/10/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo ông Tổng thư ký, toàn bộ tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria phải trải qua ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu đang được tiến hành khẩn trương với việc khảo sát toàn bộ 23 cơ sở sản xuất và cất giữ vũ khí hóa học của Syria với dự kiến sẽ hoàn tất trước cuối tháng này. Giai đoạn hai sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp LHQ - OPCW và chỉ định Điều phối viên chung. Giai đoạn ba phức tạp nhất vì liên quan đến tiến trình tiêu hủy toàn bộ số vũ khí hóa học khổng lồ của Syria với dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 1/11 năm nay đến hết tháng 6 năm sau.

Theo báo cáo của OPCW, Syria sẽ chuyển giao kế hoạch chi tiết về việc tiêu hủy vũ khí hóa học trong 24 giờ tới. Đây là động thái tiếp theo của Damascus trong khuôn khổ thỏa thuận Nga-Mỹ nhằm ngừng các cuộc tấn công quân sự vào Syria.

Nhận định về giai đoạn ba trong tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria, TTK Ban Ki-moon cho rằng có thể sẽ cần tới sự giúp sức của một số quốc gia thành viên trong Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hiện cũng đã có một số nước ngỏ ý sẵn sàng chia sẻ gánh nặng này. Ông Ban Ki-moon hoan nghênh các đề xuất giúp đỡ này song cho biết cần phải "cân nhắc thêm”, nhất là ý tưởng chuyển một lượng nhất định vũ khí hóa học từ Syria sang nước khác để tiêu hủy. TTK LHQ cho biết việc di chuyển vũ khí hóa học liên quan tới Công ước cấm vũ khí hóa học (CWC), cho dù công ước này có bật đèn xanh cho những hành động tương tự.

* Damascus bác bỏ mọi can thiệp thành lập chính phủ mới

Trong khi tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria đang diễn ra khá thuận lợi thì kế hoạch tổ chức Hội nghị hòa bình Geneva II về Syria theo đề xuất của Nga và Mỹ vào tháng tới dường như lại đang gặp trở ngại, do vấp phải sự phản đối từ phe đối lập Syria. Thủ lĩnh Liên minh Dân tộc, phe đối lập chính tại nước này, vẫn đặt điều kiện sẽ không đàm phán chừng nào các vấn đề về chuyển giao quyền lực và sự ra đi của Tổng thống Bashar Al-Assad không nằm trong chương trình nghị sự. Trước đó, ngày 22/10, tại thủ đô London (Anh), các cường quốc Arập, phương Tây và phe đối lập Syria đã tuyên bố ông Assad không nên giữ vai trò trong chính phủ tương lai của nước này.

Phản ứng trước tuyên bố trên, chính quyền Damascus khẳng định sẽ không có một thế lực nào bên ngoài có thể tham gia vào việc quyết định ban lãnh đạo mới của Syria. Bộ Ngoại giao Syria nêu rõ: “Chỉ có người dân Syria mới có thể lựa chọn nhà lãnh đạo của họ, quyết định về hiện tại cũng như tương lai đất nước. Người dân Syria sẽ không cho phép bất cứ thế lực nào bên ngoài áp đặt việc lựa chọn chính phủ hay xác định quyền lực và nhiệm vụ của chính phủ đó”. Về hội nghị Geneva II sắp tới, Damascus cam kết sẵn sàng tham gia và sẽ nỗ lực hết mình cho thành công của hội nghị mà không kèm bất cứ điều kiện tiên quyết hay sự can thiệp nào từ bên ngoài.

Trong khi đó, bạo động vẫn tiếp diễn tại Syria làm nhiều người thương vong. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết phe nổi dậy đã tấn công hai quảng trường lớn ở thủ đô Damascus, làm 5 người thiệt mạng và ít nhất 22 người bị thương. Ngoài ra, một loạt vụ tấn công khác cũng đã được tiến hành nhằm vào sân bay quốc tế Damascus, trạm kiểm soát quân đội ở ngoại ô Damascus và thành phố Aleppo gây thương vong lớn và mất điện trên diện rộng. Chính phủ Syria đã gửi kiến nghị chính thức lên LHQ phản đối các cuộc tấn công này.

Theo ước tính của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, tính đến nay đã có hơn 100.000 người Syria thiệt mạng kể từ khi bạo động bùng nổ tại nước này vào tháng 3/2011.


TTXVN/Tin tức

Phiến quân tấn công, gây mất điện khắp Syria
Phiến quân tấn công, gây mất điện khắp Syria

Bộ trưởng Điện lực Syria Emad Khamis cho biết, quân nổi dậy Syria đã tấn công vào tuyến đường ống dẫn khí ở ngoại ô thủ đô Damascus, gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN