Theo kênh Al Jazeera ngày 8/1, Thủ tướng Ulf Kristersson phát biểu tại một hội nghị của nhóm chuyên gia tư vấn quốc phòng ở Thụy Điển: “Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận rằng chúng ta đã làm những gì chúng ta nói sẽ làm, nhưng họ cũng nói rằng họ muốn những thứ mà chúng ta không thể hoặc không muốn làm”. Tuy nhiên, ông Kristersson không nói rõ Thụy Điển không thể đáp ứng điều kiện nào của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Phần Lan và Thụy Điển đã ký một thỏa thuận ba bên với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022 nhằm thực hiện những điều mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu để đồng ý cho hai nước này gia nhập NATO.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục chặn nỗ lực gia nhập NATO của hai nước này với lý do họ đã không hành động đủ để trấn áp các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố và dẫn độ những người bị tình nghi phạm tội liên quan đến khủng bố. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã tức giận khi một tòa án Thụy Điển từ chối dẫn độ nhà báo Bulent Kenes, người mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đã tham gia âm mưu đảo chính bất thành năm 2016.
Đây là trở ngại mới trong quá trình Thụy Điển thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn nỗ lực gia nhập NATO.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom đã có cuộc họp báo chung ngày 22/12/2022. Tại họp báo, ông Billstrom cho biết Thụy Điển đã tiến hành những bước đi cụ thể liên quan đến mọi chi tiết trong thỏa thuận ba bên ký hồi tháng 6 giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển và Phần Lan. Về phần mình, ông Cavusoglu đánh giá cao các bước đi của Thụy Điển nhưng cho rằng cần làm nhiều hơn nữa.
Tháng 5 vừa qua, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên của NATO. Hiện đã có 28 nước chấp thuận việc này. Hungary cho biết nước này dự kiến chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan vào tháng 2. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển che giấu các tay súng mà Ankara truy nã, cho rằng hai nước này cần làm nhiều hơn nữa trước khi đơn xin gia nhập NATO được chấp thuận.