Thương vụ Amazon và Whole Foods 'châm ngòi' cuộc điều tra chống độc quyền?

Từ trước đến nay, các cơ quan quản lý chống độc quyền của Mỹ thường rất ít khi ủng hộ những thương vụ sáp nhập của các hãng bán lẻ truyền thống với lý do để giải quyết khó khăn và tồn tại.

Thương vụ Amazon và Whole Foods liệu 'châm ngòi' cuộc điều tra chống độc quyền?. Ảnh: CNN

Điển hình là vào năm ngoái khi Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) ngăn cản ý định của chuỗi cửa hàng văn phòng phẩm và đồ gia dụng Staples nhằm mua lại đối thủ Office Depot, bất chấp lập luận của Staples rằng họ chỉ đang cố gắng để tồn tại giữa bối cảnh thị trường xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh, trong đó có Amazon.

Chính vì thế, có ý kiến cho rằng một kịch bản tương tự có nguy cơ tái diễn với Amazon. Barry Lynn, người đứng đầu mảng chính sách cạnh tranh thuộc hãng nghiên cứu New American Foundation, có trụ sở tại Washington, vừa yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra về chống độc quyền đối với thương vụ gây tranh cãi trị giá 13,7 tỷ USD giữa Amazon và chuỗi siêu thị Whole Foods vừa được công bố vào tháng Sáu vừa qua. Theo Lynn, Amazon đang thống lĩnh thị trường bán lẻ trực tuyến và nắm giữ quyền lực to lớn đối với một phần của nền kinh tế, những nơi được cho là xu hướng tăng trưởng trong tương lai. Còn đối với nhà hoạt động chính trị Mỹ Ralph Nader, những bước đi của Amazon đang “châm ngòi” cho một cuộc điều tra chống độc quyền một cách triệt để và đang là một tấm gương xấu đối với cộng đồng qua việc áp dụng các cơ chế như bán phá giá hay trốn thuế.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trong khi dư luận đặt câu hỏi xung quanh vấn đề chống độc quyền của Amazon thì các cơ quan quản lý của Mỹ có vẻ như vẫn “án binh bất động” trước sự bành chướng ngày càng lớn của “gã khổng lồ” trực tuyến này. Theo một số báo cáo, thị phần của Amazon trong thị trường bán lẻ điện tử có thể đã lên đến 50%. Amazon, khởi đầu là một nhà sách trực tuyến đã nhanh chóng trở thành một kênh bán hàng tổng hợp các sản phẩm từ chất tẩy rửa gia đình cho tới những thiết bị điện tử hay thậm chí là cả trong lĩnh vực phim ảnh.

Giải thích về vấn đề này, Giáo sư tại Trường luật Đại học Michigan Daniel Crane, nhận định việc một công ty chiếm ưu thế trong kinh doanh không có nghĩa là công ty đó vi phạm các quy tắc về chống độc quyền. Hành vi chống độc quyền sẽ chỉ được xác định khi ưu thế đó có được là nhờ vào việc sử dụng những cách thức cạnh tranh không lành mạnh. Với cơ sở luật pháp Mỹ hiện nay sẽ rất khó để chứng minh Amazon đang vi phạm luật chống độc quyền.

Đồng quan điểm trên, Giám đốc điều hành hãng tư vấn GlobalData Retail Neil Saunders cho hay trên thị trường thực phẩm, Whole Foods chỉ chiếm chưa đến 2% thị phần trong khi Amazon thậm chí còn chưa từng “bước chân” vào lĩnh vực này, vì vậy khả năng giới chức sẽ “sờ gáy” thỏa thuận này hầu như là không có.

Phương Nga (Theo AFP)
Amazon gia nhập 'câu lạc bộ 1.000 USD/cổ phiếu'
Amazon gia nhập 'câu lạc bộ 1.000 USD/cổ phiếu'

Giá cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon của Mỹ lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 USD/cổ phiếu trong phiên ngày 30/5, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho công ty của ông Jeff Bezos.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN