Thượng viện Philippines phê chuẩn RCEP

Truyền thông Philippines đưa tin với 20 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 1 phiếu trắng, ngày 21/2, Thượng viện Philippines đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu sau khi công bố kết quả, Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri bày tỏ quan điểm ủng hộ RCEP khi nhấn mạnh trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, Philippines không thể tự tách mình với phần còn lại của thế giới. Ông nêu rõ sau khi RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, các quốc gia thành viên ASEAN đã và đang gặt hái những lợi ích từ hiệp định. 

Chủ tịch Thượng viện cho biết RCEP hứa hẹn triển vọng giao dịch tốt hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn và hàng hóa có giá rẻ hơn. Ông cũng đưa ra đảm bảo rằng RCEP sẽ không gây tổn hại tới ngành nông nghiệp  nội địa khi các nông sản có tính nhạy cảm cao không có trong danh mục miễn thuế. 

Philippines hiện là quốc gia ký kết RCEP duy nhất vẫn chưa phê chuẩn văn kiện này. Lý do khiến hiệp định đình trệ tại nước này là do những lo ngại về tác động tiêu cực đối với lĩnh vực nông nghiệp trong nước.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do được ký kết lần đầu tiên vào tháng 8/2012, bao gồm các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Đến nay, RCEP - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới - đã có hiệu lực ở 14 quốc gia thành viên.

RCEP bao gồm các quy định về thương mại số, trong đó có việc chuyển dữ liệu xuyên quốc gia, bảo vệ các giao dịch và người tiêu dùng trực tuyến; đồng thời mang lại cơ hội củng cố môi trường kinh doanh thương mại số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á.

Lan Phương (TTXVN)
RCEP tạo động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực
RCEP tạo động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại RCEP năm 2022 đạt 12,95 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 30,8% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN