Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thành công sẽ tạo 'gánh nặng' cho IAEA

Với viễn cảnh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-CHDCND Triều Tiên vào ngày 12/6 đạt kết quả tích cực, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ phải đối mặt với “núi công việc” và tình trạng thiếu nhân sự để thanh tra, giám sát quá trình phi hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) đánh giá IAEA chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình Triều Tiên giải giáp hạt nhân. Tuy nhiên, IAEA chưa từng trải nghiệm khối lượng công việc quy mô đòi hỏi nhiều nhân lực như tầm dự kiến sẽ phải xử lý ở Triều Tiên.

Một thanh tra của IAEA. Ảnh: CNS News

IAEA từng tham gia kiểm chứng nhiều chương trình phi hạt nhân. Nam Phi tự xóa bỏ các vũ khí hạt nhân trong thập niên 90 của thế kỷ trước sau đó ký Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và chấp thuận để IAEA thanh tra. Libya cũng từng “gật đầu” loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trong năm 2003, sau đó IAEA đã đến quốc gia này thực hiện công tác giám sát và kiểm chứng.

Tuy nhiên, Triều Tiên lại sở hữu nhiều cơ sở hạt nhân hơn hẳn Nam Phi và Libya. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận định tại Triều Tiên có thể tồn tại hơn 100 cơ sở hạt nhân.

Ngoài ra, tình trạng nhân sự cũng là vấn đề “khó nhằn” đối với IAEA. Tờ New York Times (Mỹ) gần đây trích lời một chuyên gia nhận định sẽ cần tới 100 thanh tra làm việc tại Triều Tiên. Đây có thể là “gánh nặng” đối với IAEA bởi toàn bộ thanh tra viên trên toàn thế giới của cơ quan này là 300 người. Trong đó, 80 thanh tra viên đang nhận trọng trách về Iran.

Dưới đây là video tư liệu về quá trình Triều Tiên hủy bỏ tháp làm mát tại cơ sở hạt nhân Yongbyon (nguồn: AP)



Trong buổi họp báo ngày 4/6, Giám đốc IAEA Yukiya Amano nhấn mạnh rằng cơ quan này đã sẵn sàng cho nhiệm vụ tại Triều Tiên. IAEA đánh giá một khi được “bật đèn xanh”, cơ quan này sẽ khởi động từ tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Nhưng điều chưa được biết đến rõ ràng là mạng lưới cơ sở hạt nhân dưới lòng đất ở Triều Tiên.

Ngoài ra, việc gây quỹ cho công tác than tra hạt nhân cũng đang trong quá trình thương thảo. Nhật Bản khẳng định sẵn sàng đóng góp cho IAEA.

Hà Linh/Báo Tin tức
Máy bay F-35 Mỹ bị chính quê nhà ‘hắt hủi’ vì dính gần 1.000 lỗi kỹ thuật
Máy bay F-35 Mỹ bị chính quê nhà ‘hắt hủi’ vì dính gần 1.000 lỗi kỹ thuật

Văn phòng Giải trình Chính phủ (GAO) của Mỹ đã đề nghị Quốc hội tạm ngừng nguồn ngân sách dành cho chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35, sau khi phát hiện máy bay này mắc gần 1.000 lỗi kỹ thuật chưa thể khắc phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN