Thuốc xịt mũi ngăn nhiễm COVID-19 trong 8 tiếng, chống mọi biến thể

Phương pháp xịt mũi mới này có thể giúp những người có nguy cơ cao miễn nhiễm với COVID-19 trong thời gian ngắn.

Phương pháp điều trị đang được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học Helsinki (Phần Lan) đã cho thấy khả năng ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 lên đến 8 giờ trong các nghiên cứu thử nghiệm.

Hiện loại thuốc xịt này chưa được thử nghiệm trên người và kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của nó vẫn chưa được hội đồng chuyên gia thẩm định. 

Chú thích ảnh
Việc đưa các kháng thể chống COVID-19 thẳng vào mũi có thể ngăn virus nhân lên ở giai đoạn bệnh sớm nhất. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Daily Mail, loại thuốc xịt mũi này được thiết kế để bảo vệ bệnh nhân suy giảm miễn dịch cùng những người khác khỏi bệnh COVID-19. 

Nó hoạt động bằng cách ngăn virus SARS-CoV-2 sao chép tế bào trong mũi. Trong các nghiên cứu thử nghiệm, nó chống lại hiệu quả tất cả các biến thể, vượt trội hơn so với các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng phổ biến hiện nay, vốn ít hiệu quả đối với biến thể Omicron.

Mặc dù phương pháp này không thể thay thế vaccine, nhưng nó có thể cung cấp thêm sự bảo vệ cho những người cần tăng cường hệ miễn dịch, cũng như có thể trở thành cơ sở cho các phương pháp điều trị khác trong tương lai.

Những người bị suy giảm miễn dịch - do điều trị ung thư, cấy ghép nội tạng, nhiễm HIV và nhiều bệnh lý khác - rất dễ bị biến chứng nặng khi mắc COVID-19. Các vaccine hiện nay có thể không cung cấp đủ sức mạnh cho hệ thống miễn dịch của họ để chống lại virus SARS-CoV-2. 

Do đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo rằng tất cả những người Mỹ bị suy giảm miễn dịch trên 5 tuổi nên tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19 bổ sung. Trong những tháng tới, cơ quan này cũng có thể khuyến nghị những người bị suy giảm miễn dịch tiêm mũi thứ tư. Hay tại Israel, cơ quan y tế nước này đã triển khai tiêm liều thứ tư cho người dân bị suy giảm miễn dịch, cũng như nhân viên y tế và người trên 60 tuổi.

Ngoài việc tiếp tục tiêm chủng, nhiều nhà nghiên cứu hiện đang theo đuổi các phương pháp điều trị khác dành riêng cho những người bị suy giảm miễn dịch và những người có nguy cơ cao.

Điển hình, tháng 12/2021, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng do AstraZeneca nghiên cứu, được thiết kế để ngăn ngừa COVID-19 ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Phương pháp xịt mũi đang được các nhà khoa học tại Đại học Helsinki phát triển cũng có thể trở thành một lựa chọn hữu ích cho những bệnh nhân này.

Kalle Saksela, nhà virus học tại Đại học Helsinki và là tác giả chính của nghiên cứu, trả lời trang web Gizmodo rằng: “Phương pháp dự phòng này nhằm bảo vệ con người khỏi virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nó không phải là vaccine cũng không phải là thuốc thay thế cho vaccine. Đó là biện pháp bổ sung cho việc tiêm chủng nhằm cung cấp sự bảo vệ bổ sung cho những người đã được tiêm chủng và đặc biệt là đối với những người bị suy giảm miễn dịch”.

Loại thuốc mới được xây dựng dựa trên nghiên cứu trước đây cho thấy mô mũi chính là nơi virus SARS-CoV-2 tái tạo đầu tiên. Sau khi nhân lên trong mũi, virus thường tiến triển qua đường hô hấp đến phổi - nơi nó gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Kết quả là việc đưa các kháng thể chống COVID-19 thẳng vào mũi có khả năng ngăn virus nhân lên ở giai đoạn bệnh sớm nhất có thể.

Phương pháp điều trị của các nhà nghiên cứu Helsinki sử dụng một loại kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm, tương tự như kháng thể đơn dòng. Tuy nhiên, không giống như các kháng thể đơn dòng, các phần tử của hệ thống miễn dịch được sử dụng trong thuốc xịt mũi nhỏ hơn và linh hoạt hơn.

Những kháng thể này được tạo ra từ một bộ phận của virus hầu như không thay đổi qua các biến thể và chủng virus khác nhau. Để tăng khả năng vô hiệu hóa mầm bệnh của thuốc xịt mũi, các nhà nghiên cứu đã kết hợp ba trong số các kháng thể này lại với nhau thành một loại thuốc.

Nhóm nghiên cứu lần đầu sử dụng  thuốc của họ chống lại pseudovirus - loại virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm để bắt chước SARS-CoV-2. Trong thử nghiệm này, thuốc có thể ngăn chặn sự nhân lên của virus ở chủng SARS-CoV-2 ban đầu, cũng như các biến thể Beta, Delta và Omicron.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm loại thuốc này chống lại tế bào người trong quá trình nuôi cấy tế bào. Một lần nữa, nó có thể vô hiệu hóa một số biến thể SARS-CoV-2 khác nhau. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm loại thuốc xịt mũi này trên chuột thí nghiệm, sau đó tiêm virus SARS-CoV-2 vào mũi của chuột.  

Ở những con chuột không được xịt thuốc, virus lây lan qua khoang mũi để xấm lấn vào đường hô hấp và phổi của chúng. Và ở những con chuột được xịt mũi, virus hoàn toàn không lây lan qua mũi. Kiểm tra cho thấy những con vật này hoàn toàn không có kháng nguyên đối với SARS-CoV-2  và không triệu chứng của bệnh. 

Nhóm nhà khoa học Phần Lan phát hiện rằng phương pháp điều trị này có thể bảo vệ chuột khỏi nhiễm COVID-19 trong tối đa 8 giờ. Tuy vậy, kết quả này vẫn chưa được thẩm định lại, cũng như cần thêm nhiều bước kiểm tra nữa trước khi thử nghiệm xịt cho con người.

Tác giả Saksela tỏ ra lạc quan về tiềm năng của loại thuốc này trong một cuộc phỏng vấn với Gizmodo. Ông nói: “Công nghệ này rẻ và dễ sản xuất, đồng thời chất ức chế hoạt động tốt đối với tất cả các biến thể. Nó cũng chống lại được SARS hiện đã tuyệt chủng, do vậy có thể làm biện pháp khẩn cấp đối với các chủng Corona mới, ví dụ như SARS-CoV-3 và SARS-CoV-4”.

Ngoài phương pháp xịt mũi ngăn COVID-19, các nhà nghiên cứu tại Đại học Helsinki cũng đang theo phát triển thuốc xịt chống lại những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
5 lý do nên bỏ ý định chủ động nhiễm Omicron để ‘xong chuyện’
5 lý do nên bỏ ý định chủ động nhiễm Omicron để ‘xong chuyện’

Các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo luồng quan điểm sai lệch đang tồn tại trên truyền thông mạng xã hội về việc chủ động nhiễm biến thể virus Omicron cho xong mọi chuyện, với luận điểm là biến thể này chỉ gây tình trạng bệnh nhẹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN