Thủ tướng Đức với 7 ngày và 20.000 km

Berlin – Kiev – Berlin – Moskva – München – Berlin – Washington – Ottawa – Berlin và điểm đến tiếp theo trong ngày hôm nay, 11/2 là Minsk, thủ đô Belarus. Đó là lịch trình di chuyển qua quãng đường dài 20.000 km của Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trong bảy ngày.

Trước đây, nhà lãnh đạo Đức cũng từng có những chuyến đi dày để tham dự các sự kiện quan trọng liền nhau. Song việc vượt qua quãng đường dài tới nửa vòng Trái Đất như vậy chỉ trong một tuần với vô số những cuộc họp thì quả thật đáng nể với nữ chính trị gia 60 tuổi của Đức. Chủ đề chi phối các điểm thảo luận trên chặng đường dài 20.000 km này là về Ukraine, về chiến tranh, hòa bình và cả những chủ đề nóng khác của thế giới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.


Với một người bình thường, đi lại ngần ấy quãng đường chỉ trong vòng một tuần có lẽ cũng "tới hạn" cho phép về sức khỏe cơ thể. Tuy nhiên, dù ở Kiev, Moskva, Wasington hay Ottawa, người ta không hề nhận thấy sự mệt mỏi ở người phụ nữ được mệnh danh là quyền lực nhất thế giới này. Và theo những người gần gũi với bà Merkel thì trước những thách thức, khả năng tập trung cũng như sức chịu đựng của bà lại càng dẻo dai hơn.

Chiều muộn 5/2, ngay sau buổi tiếp nhà du hành vũ trụ người người Đức Alexander Gerst, Thủ tướng Merkel đã ra thẳng chuyên cơ lên đường tới Kiev mà không kịp mang theo hành lý, vẫn chiếc áo khoác xám màu với cái cổ xẫm mà bà mặc từ buổi sáng. Đụng độ ở Đông Ukraine leo thang, cộng thêm việc Mỹ dọa đổ vũ khí vào quốc gia châu Âu, khiến bà Merkel không yên. Cùng với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Merkel đã tới Kiev nhằm đảm bảo một sự thống nhất trong EU về sáng kiến hòa bình cho Ukraine. Trở về Berlin đã quá muộn, nhà lãnh đạo Đức chỉ kịp chợp mắt chốc lát rồi lại tới Phủ Thủ tướng để chuẩn bị đón tiếp người đồng cấp Iraq Haider al-Abadi tới thăm.

Tại cuộc tiếp lãnh đạo Iraq trưa 6/2, bà Merkel đã không giấu giếm khi nói về nỗ lực tháo gỡ ngòi nổ Ukraine. Bà nói: "Chúng tôi làm những gì mình nghĩ được. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là phải dồn hết sức lực để tìm cách chấm dứt tình trạng đổ máu (ở Ukraine)". Đầu giờ chiều, bà lại ra chuyên cơ "Konrad Adenauer" để tới Moskva. Tới sân bay Vnukovo-2 khi trời đã tối, tuyết rơi nhẹ và một tờ báo của Nga đã gọi bà là "Angela Mira", có nghĩa "thiên sứ hòa bình". Chiếc vali nhỏ bà tự mình chuẩn bị mà không cần nhờ giúp. Người giúp bà công việc "vặt" duy nhất là cô trợ lý Petra Keller chuyên phụ trách về phong cách, diện mạo mỗi khi bà Merkel xuất hiện trước công chúng.

Báo Nga gọi bà Merkel là "Thiên sứ hòa bình".


Trên bàn làm việc của Tổng thống Nga Vladimir Putin không có gì khác ngoài đĩa hoa hồng, những chiếc bút bi và tai nghe khi cần phiên dịch. Lễ nghi chụp hình bắt tay thông thường cũng được bỏ bớt trước đó. Sau 5 giờ đàm phán với cùng Tổng thống Nga và Pháp, Thủ tướng Merkel lại ra sân bay về Đức. Bà không thể về Berlin mà xuống München, bởi sáng hôm sau, bà sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị An ninh Munich (MSC). Chuyên cơ đáp xuống München lúc 2 giờ sáng. Khách sạn Bayerische Hof, nơi diễn ra MSC đã kín chỗ, lực lượng hậu cần phải đặt phòng nghỉ tại khách sạn Westin Grand gần đó.

Khoảng 10 giờ sáng 7/2, Thủ tướng Merkel đã phát biểu tại MSC, trong đó tái khẳng định "quân sự không phải là giải pháp cho vấn đề Ukraine", phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, bất chấp sức ép từ phía Mỹ và Anh. Sau đó, nhà lãnh đạo Đức cũng đã gặp và thông báo với Tổng thống Ukraine Poroschenko, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden về kết quả cuộc gặp ông Putin. Sau một số cuộc gặp đối ngoại khác, bà Merkel trở lại Berlin tối cùng ngày.

Chủ nhật 8/2, bà Merkel lại lên "cơ quan" để chuẩn bị cho cuộc điện đàm bốn bên với Tổng thống Nga, Ukraine và Pháp. Kết quả là các bên nhất trí tiến hành Hội nghị thượng đỉnh ở Minsk vào 11/2 để thảo luận về Ukraine, song bà Merkel cũng không dám kỳ vọng nhiều vào cuộc gặp này. 14 giờ, nữ Chủ tịch đảng bảo thủ Đức ra sân bay quân sự Tegel để tới Wasington. Đêm 9/2 giờ Đức (tối tại Washington), chuyên cơ chở nhà lãnh đạo Đức hạ cánh xuống đất Mỹ. Buổi làm việc với Tổng thống Obama cùng các quan chức Mỹ kéo dài từ đến 12 giờ trưa và tại cuộc họp báo, bà khẳng định hai điều, thứ nhất là phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine và thứ hai khẳng định mối quan hệ liên minh bền chặt Đức-Mỹ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tổng thống Obama không đề cập cụ thể việc có cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không, song ông nhắc lại chuyện nước Đức từng chia cắt Đông-Tây, rồi không cần qua chiến tranh vẫn có thể tái thống nhất và vươn lên. Sau cuộc gặp với Chủ tịch WB Jim Young Kim chiều cùng ngày, bà Merkel lại lên đường sang Canada để thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Stephen Harper. Khoảng 21 giờ, nhà lãnh đạo Đức đã lên chuyên cơ về Berlin, kết thúc chuyến công du con thoi với quãng đường dài trên 20.000 km. Tất cả những nỗ lực đó không chỉ vì cuộc gặp tại Minsk ngày 11/2.


Mạnh Hùng
(P/v TTXVN tại Đức)


Tín hiệu xấu ngay trước Thượng đỉnh Normandy về Ukraine
Tín hiệu xấu ngay trước Thượng đỉnh Normandy về Ukraine

Phía Ukraine cho biết, các bên tham dự cuộc họp Nhóm Tiếp xúc về Ukraine tại Minsk đã không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN