Thủ đô London và bài toán đi lại sau khi dỡ bỏ phong tỏa

Người dân thủ đô London, Vương quốc Anh, đang đối diện với những lựa chọn khó khăn trong việc đi làm trở lại, sau khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19 đang từng bước được dỡ bỏ. 

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở London, Anh khi lệnh phong tỏa được ban bố do dịch COVID-19, ngày 13/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại London, trong bài phát biểu toàn quốc hôm 10/5, Thủ tướng Boris Johnson cho biết những người không thể làm việc từ xa có thể trở lại làm việc từ ngày 13/5, song ông khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Thị trường London ông Sadiq Khan cũng kêu gọi người dân chỉ sử dụng phương tiện giao thông công cộng như "giải pháp cuối cùng".

Như vậy cả chính phủ Anh và chính quyền London đều kêu gọi người dân chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân để đi làm. Tuy nhiên, thực tế những ngay vừa qua cho thấy cảnh tượng tàu điện ngầm và xe bus ở London đông nghẹt người vào giờ cao điểm khi nhiều người bắt đầu đi làm trở lại. 

Đối với phần đông dân chúng London, việc tuân thủ khuyến cáo của chính quyền là không hề dễ dàng bởi tỷ lệ sở hữu ôtô cá nhân tại đây ở mức thấp nhất so với các khu vực còn lại của Vương quốc Anh. Ước tính chỉ khoảng hơn một nửa số hộ gia đình tại London có xe riêng, trong khi khoảng cách tương đối xa giữa các khu dân cư và khu vực trung tâm khiến đi bộ hoặc đạp xe tới chỗ làm là gần như không thể. 

Và một nghịch lý nữa là trong khi khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện cá nhân, thì chính quyền thủ đô London cũng buộc phải thông báo sẽ quyết định nối lại việc thu phí chống tắc nghẽn và phí khí thải đối với phương tiện cá nhân vào trung tâm từ đầu tuần tới. 

Không những vậy, từ ngày 22/6, thời hạn áp dụng phí chống ùn tắc trong ngày cũng được kéo dài, và áp dụng cả 7 ngày trong tuần, với mức phí tăng 30%, lên 15 bảng/lần. 

Việc áp dụng lại và tăng mức phí vào trung tâm London đối với phương tiện cá nhân là một phần điều kiện đi kèm trong gói cứu trợ trị giá 1,6 tỉ bảng mà chính phủ Anh vừa công bố chiều 15/5 để bù lỗ cho Sở Giao thông London, chỉ vài giờ trước khi cơ quan phụ trách giao thông của London thừa nhận sẽ hết sạch tiền do tác động của các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 thời gian qua. Đây là khoản cứu trợ khẩn cấp để duy trì hệ thống tàu điện ngầm và xe bus của London tiếp tục vận hành từ nay đến tháng 9.  

Trong những ngày tới, thách thức đặt ra với Sở Giao thông London là "phải tạo thêm nhiều không gian cho việc duy trì giãn cách xã hội đối với hoạt động đi bộ hoặc đạp xe, để bảo đảm an toàn tốt nhất có thể cho những người đi làm trở lại". Nhiều tuyến phố ở trung tâm dự kiến sẽ được chuyển đổi thành phố chỉ dành cho người đi bộ và đi xe đạp. 

Khu vực London hiện có tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thấp nhất tại Anh với chưa đầy 24 ca dương tính mới được ghi nhận mỗi ngày. Số liệu cũng cho thấy cứ sau 3,5 ngày thì số ca mắc mới tại London lại giảm một nửa, theo đó dịch bệnh có thể được kiểm soát tại đây trong vòng 2 tuần tới. 

Tuy nhiên, đây chỉ là những thống kê trước khi dỡ bỏ biện pháp hạn chế đi lại. Tốc độ lây nhiễm tại London trong những ngày tới tăng hay giảm được cho là phụ thuộc nhiều vào việc giải bài toán đi lại đối với một trong những thành phố đông dân nhất châu Âu này.

Tuấn Anh (TTXVN)
Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 16/5: Thế giới trên 4,6 triệu ca nhiễm, trên 308.000 người tử vong
Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 16/5: Thế giới trên 4,6 triệu ca nhiễm, trên 308.000 người tử vong

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 95.994 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 4.935 người tử vong. Nhiều quốc gia châu Âu tiếp tục đẩy mạnh nới lỏng các hạn chế phòng dịch, trong khi tình hình vẫn diễn biến đáng lo ngại ở các nước Mỹ Latinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN