Thủ đô Libya bị không kích

Truyền thông Libya đưa tin rạng sáng 18/8 đã xảy ra một cuộc không kích nhằm vào lực lượng vũ trang đến từ Misrata đang có giao tranh với nhóm đối địch để giành quyền kiểm soát Tripoli. Người dân địa phương cho biết đã nhìn thấy máy bay trên bầu trời thành phố sau nửa đêm 17/8 và nghe thấy nhiều tiếng nổ.

Tư lệnh phòng không, Tướng về hưu Khalifa Haftar cho biết lực lượng trung thành với vị tướng này đã tiến hành không kích một số vị trí của lực lượng Misrata tại thủ đô Tripoli. Từ tháng 5 vừa qua, Tướng Haftar đang dẫn đầu một chiến dịch chống các nhóm Hồi giáo cực đoan tại thành phố Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya.

Ông Khalifa Haftar. Ảnh: Reuters


Tuy nhiên, một đơn vị Không quân (không tham gia chiến dịch của tướng Haftar ở Benghazi) bác bỏ thông tin trên, đồng thời khẳng định các máy bay vừa không kích Tripoli "đến từ nước ngoài". Theo họ, máy bay của Libya không được trang bị để tấn công trong đêm và không thể tiếp nhiên liệu trên không, nhất là khi khởi hành từ một căn cứ không quân hẻo lánh do các lực lượng của tướng Haftar kiểm soát.

Một tuyên bố của chính phủ thông báo đã mở một cuộc điều tra về vụ tấn công trên. Chính phủ Libya đang tiếp xúc với các nước "bạn hữu" để xác định các máy bay bí hiểm trên. Tuyên bố cũng kêu gọi các bên giao tranh nên ngừng bắn, ngồi vào bàn đàm phán và rút lực lượng khỏi Tripoli cũng như các thị trấn khác ở Libya.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã bác bỏ tin đồn rằng Mỹ có can dự trong vụ không kích này. Bà cho biết Mỹ đang tìm thêm thông tin và hiện chưa thể khẳng định bất cứ chi tiết nào về thủ phạm.

Pháp cũng bác bỏ tin đồn về việc tham gia cuộc không kích trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định ưu tiên của Pháp là một thỏa thuận chính trị giúp chấm dứt giao tranh tại Tripoli, Benghazi và mọi nơi ở Libya.

Từ ngày 13/7, sân bay Tripoli đã phải đóng cửa và hiện nằm trong tay lực lượng nổi dậy đến từ Zintan, Tây Nam Tripoli. Lực lượng này phải đối mặt với thách thức từ các tay súng đến Misrata muốn giành quyền kiểm soát một cầu hàng không. Giao tranh đã khiến khoảng 1.000 gia đình phải rời bỏ nhà cửa.

Quốc hội mới được bầu của Libya cũng đã phải họp tại Tobruk, một thành phố miền Tây, nhằm tránh bạo lực ở Tripoli. Ngày 13/8 vừa qua, các nghị sĩ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài nhằm bảo vệ dân thường ở Libya.

Trước đó, phái bộ của Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya (UNSMIL) ra tuyên bố bày tỏ lo ngại trước tình hình tiếp tục xấu đi tại quốc gia Bắc Phi này. Trong tuyên bố của mình, UNSMIL lên án mạnh mẽ vụ đánh bom các khu dân cư, gây thương vong cho dân thường, đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc về "sự thờ ơ" của các bên trong cuộc xung đột trước lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt bạo lực và thiết lập một lệnh ngừng bắn.


TTXVN/Tin tức

Phương Tây hối thúc ngừng tấn công dân thường ở Libya
Phương Tây hối thúc ngừng tấn công dân thường ở Libya

Chính phủ các nước Anh, Pháp, Đức, Italy và Mỹ đã hối thúc các phe phái tham chiến ở Libya ngừng tấn công nhằm vào dân thường trong bối cảnh các cuộc đụng đột đã vượt quá tầm kiểm soát ở quốc gia Bắc Phi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN