Thời gian cứu Trái Đất không còn nhiều

Thiên tai đang hoành hành tại nhiều khu vực trên thế giới trong những ngày gần đây, gây ra thiệt hại không nhỏ về người và của. Loài người phải đối mặt với nguy cơ giá lương thực biến động lớn do thảm họa thiên nhiên. Trong khi đó, thế giới vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề biến đổi khí hậu. Trái Đất - ngôi nhà chung của nhân loại - đang kêu cứu…


Với 2/3 diện tích cả nước đang hứng chịu hạn hán, nước Mỹ đang đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong gần nửa thế kỷ qua. Khu vực chịu hạn hán trải dài từ bắc Ohio đến California và từ bắc Texas đến Dakota. Cơ quan giám sát hạn hán ở Mỹ cho biết, diện tích bị hạn hán nghiêm trọng đã tăng gần gấp ba lần chỉ trong vòng một tuần, từ mức 7% lên 20% diện tích cả nước.


Tìm kiếm các nạn nhân trong thảm họa lở bùn ở Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc ngày 31/7/2012. Ảnh: THX-TTXVN


Bên này bán cầu, người dân Nhật Bản và Hàn Quốc đang gánh chịu đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDCP) cho biết đã có gần 300 người phải nhập viện do nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 6 tới nay ở nước này.


Dự báo đợt nắng nóng này sẽ tiếp tục kéo dài đến giữa tháng 8 tới. Nắng nóng gay gắt xảy ra tại 34/37 tỉnh của Nhật Bản, đã làm hơn 900 người phải nhập viện do những vấn đề liên quan tới tim mạch. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao ở nhiều nơi, như 36,9 độ C ở tỉnh Kyoto và 36,7 độ C ở tỉnh Oita.


Trong khi đó, Philíppin, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên lại phải đối mặt với tình trạng bão lũ nghiêm trọng. Mưa lớn và gió mạnh khiến nhiều nơi ở thủ đô Manila của Philíppin chìm ngập trong nước, hàng chục nghìn người phải sơ tán và tất cả các trường học phải đóng cửa. Lũ lụt từ giữa tháng 7 tại Triều Tiên đã làm hơn 60.000 người mất nhà ở và chính phủ nước này đang phát động “nỗ lực toàn dân” đối phó với thiên tai. Tại Trung Quốc, mưa bão đã ảnh hưởng trực tiếp tới người dân các tỉnh Liêu Ninh, Sơn Tây, Cam Túc, Tân Cương… khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán, làm nhiều nơi mất điện và hoa màu bị úng ngập. Mực nước của hồ Bát Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, hiện đã vượt mức báo động do lũ từ các nhánh thượng nguồn sông Dương Tử đổ vào.


Giá lương thực trên đà tăng


Nạn hạn hán trầm trọng tại Mỹ, nước sản xuất ngô và đậu tương lớn nhất thế giới (312 triệu tấn ngô và 77 triệu tấn đậu tương trong năm 2011), đe dọa gây biến động tăng giá lương thực. Hiện 78% diện tích ngô và 11% diện tích đậu tương của Mỹ đang bị hạn hán. Trong số các khu vực chịu hạn hán nghiêm trọng có gần 1/3 diện tích 9 của bang miền trung - khu vực chiếm tới 3/4 sản lượng ngô và đậu tương của cả nước Mỹ.


Tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ) trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 30/7/2012, giá ngô giao tháng 12/2012 đã tăng mạnh 2,62% lên mức cao chưa từng thấy 8,14 USD/bushel (1 bushel = 25,4 kg). Trong phiên giao dịch tuần trước, giá lúa mỳ giao tháng 9/2012 có lúc tăng đến 9,47 USD/bushel (1 bushel = 27,2 kg) - mức cao nhất kể từ tháng 8/2008.


Báo cáo mới nhất của Trung tâm dự báo khí tượng Mỹ cho biết tình trạng thời tiết khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài tại khu vực trung tây nước Mỹ, thậm chí có thời điểm nhiệt độ sẽ vọt lên tới trên 37,77 độ C và lượng mưa thấp hơn dự kiến. Tình hình này có thể sẽ đe dọa tới chất lượng và năng suất ngũ cốc tại Mỹ, qua đó tiếp tục đẩy giá ngũ cốc lên cao trong tuần tới.


Giá ngô tăng lên mức kỷ lục đã ảnh hưởng rất lớn đến Nhật Bản, khách mua ngô lớn nhất thế giới. Theo Hiệp hội buôn bán thức ăn chăn nuôi của nước này (JFTA), nhập khẩu ngô của Nhật Bản trong năm nay sẽ tụt xuống mức thấp nhất 26 năm qua kể từ năm 1986 và các nhà chăn nuôi gia súc phải tính tới phương án chuyển hướng sang các nguyên liệu thay thế khác rẻ hơn. Giám đốc điều hành JFTA Mitsuyoshi Haruno cho biết, lượng ngô nhập khẩu của Nhật Bản năm nay sẽ không thay đổi nhiều so với mức 15,3 triệu tấn của năm 2011, nhưng sẽ chạm mức đáy 26 năm qua.


Giá các loại nông sản ở Ấn Độ cũng đang tăng vọt, do lượng mưa năm nay giảm 23% so với mức trung bình hai năm qua khiến sản lượng nhiều loại nông sản được dự báo giảm so với hai năm trước. Hiện ở hầu hết các khu vực trồng các loại hạt lấy dầu ở Ấn Độ đều không có mưa. Nếu vẫn không có mưa trong vài ngày tới, vụ gieo trồng đầu tiên sẽ bị ảnh hưởng và vụ tiếp theo cũng sẽ bị hoãn lại, từ đó sẽ đẩy giá của tất cả các loại dầu thực vật tăng mạnh trong thời gian tới.


Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở bang Maharashtra ở miền tây, khu vực sản xuất đường lớn nhất của nước này, khiến sản lượng mía được dùng để sản xuất đường có thể chỉ đạt 65 triệu tấn và sản lượng đường trong niên vụ 2012 - 2013 sẽ ở mức thấp. Giá đường giao ngay và giá đường kỳ hạn đã tăng mạnh trong tháng qua. Nếu tình hình không sớm được cải thiện, giá cả có thể sẽ tiếp tục leo thang.


Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tuy các dự báo hiện nay không cho thấy sự thiếu hụt lương thực nghiêm trọng, nhưng nguồn lương thực dự trữ xuống thấp và nông nghiệp thế giới vẫn phụ thuộc nặng nề vào thời tiết toàn cầu khiến giá lương thực biến động lớn. Hạn hán bất thường ở Mỹ cũng như các điều kiện mùa màng hiện nay ở các vùng sản xuất ngũ cốc khác đã làm tăng giá lương thực trên toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến người nghèo. Giá lúa mì đã tăng 50%, giá ngô tăng 45% kể từ giữa tháng 6/2012, giá đậu tương tăng 30% kể từ đầu tháng 6 và 60% kể từ cuối năm 2011. WB dự báo biến động giá lương thực cao hiện nay có thể kéo dài ít nhất đến năm 2015.


Hậu họa do con người


Thiên tai bất thường là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) - đang ngày càng diễn tiến xấu trên quy mô toàn cầu. Giới khoa học dự báo đến năm 2100, nhiệt độ hành tinh sẽ tăng thêm 2,8 độ C so với năm 2000 và mực nước biển sẽ tăng thêm từ 0,2 - 0,5 mét. Nước biển dâng cao đồng nghĩa với việc hàng tỷ người ở những vùng đất thấp mất không gian sinh tồn do phải chống chọi với thiên tai như các trận bão lớn, lũ lụt nghiêm trọng, triều cường, xâm nhập mặn... BĐKH còn dẫn tới những hệ lụy gián tiếp như bất ổn an ninh lương thực, khan hiếm tài nguyên, đe dọa hòa bình khu vực và quốc tế do xung đột nguồn nước và nạn di cư ồ ạt.


Trước kết cục u ám này, những cam kết dù nhỏ của các chính phủ, đặc biệt là những nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin, sẽ có tác động tích cực đến cuộc chiến chống BĐKH mà toàn nhân loại đang kỳ vọng.

Cây ngô chết khô do hạn hán ở Mỹ. Ảnh: Internet


Tuy nhiên cho đến thời điểm này, làm sao để thu hẹp “hố sâu” ngăn cách giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển nhằm thực thi trách nhiệm cắt giảm khí thải nhà kính vẫn là một bài toán vô cùng nan giải.


Mỗi kỳ hội nghị “maratông” về BĐKH lại là một lần chậm trễ trong nỗ lực chung chống thảm họa sinh thái toàn cầu này. Có thể nói Hội nghị lần thứ 17 của LHQ (COP-17) ở Durban (Nam Phi) hồi cuối năm 2011 là một trong những hội nghị nóng và gay cấn nhất trong lịch sử các cuộc thảo luận về BĐKH. Phần lớn thời gian của hội nghị là dành cho cuộc tranh cãi giữa nhóm các nước phát triển và nhóm các quốc gia mới nổi về việc có khai tử Nghị định thư Kyoto về BĐKH hay để cho nó một con đường sống.


Sau các cuộc thảo luận căng thẳng, COP-17 chỉ nhích thêm một bước khiêm tốn là thống nhất lộ trình tiến tới một thỏa thuận mới thay thế cho Nghị định thư Kyoto - kết quả không đủ làm hài lòng các nhà hoạt động môi trường. Theo đó, thế giới sẽ có 4 năm (2012 - 2015) để thảo luận về khung cam kết mới và 5 năm tiếp theo (2016 - 2020) để ký thông qua khung pháp lý này trước khi chính thức đưa vào thực hiện sau năm 2020. Như vậy, COP-17 đã dành 10 năm cho các quốc gia quyền tự định đoạt về kế hoạch cắt giảm khí thải và nghiễm nhiên thừa nhận sự sụp đổ của giai đoạn hai Nghị định thư Kyoto.


Nghị định thư Kyoto - ràng buộc pháp lý duy nhất trong cuộc chiến chống BĐKH - được ký kết năm 1997 và chính thức có hiệu lực từ năm 2002, theo đó việc cắt giảm khí thải được chia làm hai giai đoạn 2008 - 2012 và 2013 - 2020. Điều tệ hại là đến thời điểm chỉ còn một năm nữa là giai đoạn I kết thúc, hầu hết các nước không những không hoàn thành cam kết cắt giảm 5% lượng khí thải vào năm 2012, so với mức của năm 1990, mà còn tạo ra ngày càng nhiều khí thải hơn.


Giới quan sát cho rằng, lộ trình 10 năm mà COP-17 đưa ra là phần thưởng về chính trị dành cho những nước lớn thừa khí thải nhưng thiếu trách nhiệm, song lại là bước thụt lùi vô thời hạn của những nỗ lực chống BĐKH.


BĐKH là tai họa tiềm ẩn do chính con người gây ra do lối sống hiện đại sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến khí hậu Trái Đất biển đổi. Vì vậy, chỉ có con người mới có thể sửa chữa sai lầm này. Thời gian để cứu lấy Trái Đất không còn nhiều...



Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Trái Đất gánh thêm nỗi lo "Kỷ nguyên vàng" của khí đốt
Trái Đất gánh thêm nỗi lo "Kỷ nguyên vàng" của khí đốt

Các nhà khoa học và môi trường quốc tế cảnh báo "kỷ nguyên vàng" của khí đốt tự nhiên sẽ đe dọa tương lai của Trái Đất và sẽ là hiểm hoạ khó tránh khỏi của nhân loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN