Thổ Nhĩ Kỳ và Syria liên tiếp dùng hỏa lực đáp trả nhau

Cuộc khủng hoảng Syria (Xyri) đã có dấu hiệu bắt đầu vượt ra khỏi biên giới quốc gia này sau khi hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria dùng hỏa lực đáp trả nhau trong 3 ngày liên tiếp.

 

Kênh truyền hình tư nhân NTV đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/10 đã bắn trả sau khi một quả đạn pháo mới từ Syria đáp xuống lãnh thổ nước này gần đường biên giới chung giữa hai nước. Trước đó, quả đạn pháo của Syria rơi xuống thị trấn biên giới Altinozu thuộc tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ tấn công xảy ra chỉ hai ngày sau vụ pháo kích từ Syria qua biên giới khiến năm dân thường Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

 

 

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Akcakale giáp giới với Syria ngày 4/10. Ảnh: AFP/TTXVN

 

 

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayíp Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo Syria sẽ phải trả giá đắt cho những cuộc tấn công tiếp theo. Ông Êđôgan một lần nữa khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không muốn chiến tranh nhưng sẵn sàng hành động nếu bị đe dọa.

 


Trong khi đó, tờ "Daily News" đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường sức mạnh ở Địa Trung Hải, với việc điều một số tàu chiến nổi và tàu ngầm đến các căn cứ của Hải quân tới khu vực trên. Tin cho hay các tàu trên được trang bị đầy đủ vũ khí trong trạng thái sẵn sàng cho chiến tranh.

 

Cũng trong ngày 5/10, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ bình tĩnh và tránh bất cứ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng với Syria, sau khi Ankara đưa ra những cảnh báo cứng rắn và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 4/10 cho phép tiến hành chiến dịch quân sự qua biên giới trong trường hợp tiếp tục bị gây hấn.

 

Trong bối cảnh dư luận thế giới lo ngại chiến sự Syria sẽ lan sang các quốc gia láng giềng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang các hành động cứng rắn và kêu gọi các nước cần cố gắng kiềm chế. Một loạt các nước Libăng, Iran, Irắc, Gioócđani đã chuẩn bị các biện pháp đề phòng nguy cơ chiến sự lan rộng. Chính phủ Irắc đã huy động quân đội đến bảo vệ khu vực biên giới với Syria sau khi thừa nhận các tay súng thuộc dòng Hồi giáo Sunni tại quốc gia này đã vượt biên vào Syria để hỗ trợ cho lực lượng chống Tổng thống Bashar Al Assad.

 

Giới phân tích nhận định nếu Syria rơi vào tình trạng chia rẽ, toàn bộ khu vực Trung Đông có nguy cơ rơi vào hỗn loạn. Trước nguy cơ này, các nhà quan sát cho rằng tất cả các quốc gia trong khu vực nên phối hợp để tìm một giải pháp ôn hòa nhằm giải quyết khủng hoảng Syria và không nên có các hành động làm leo thang xung đột.

 

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã nhất trí thông qua tuyên bố lên án một loạt vụ đánh bom liều chết phối hợp mà cơ quan này mô tả là "các cuộc tấn công khủng bố" ở thành phố Aleppo của Syria hồi đầu tuần, làm 48 người thiệt mạng.

 

Tuyên bố nêu rõ: "Các thành viên HĐBA đã lên án bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất các cuộc tấn công khủng bố ở thành phố Aleppo của Syria hôm 3/10 khiến hàng chục người chết và hơn 100 dân thường bị thương, mà tổ chức Jebhat al-Nusra có quan hệ với Al-Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm".

 

Trong diễn biến liên quan, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria cho biết quân chống đối ở nước này ngày 5/10 đã bắn hạ một chiếc máy bay trực thăng trang bị súng máy ở thị trấn Saqba thuộc vùng Đông Ghuta, tỉnh Damascus - nơi vốn là địa bàn hoạt động của một số tiểu đoàn thiện chiến nhất và có tổ chức tốt nhất của nhóm Quân đội Syria tự do.

 

Trong khi đó, ngày 5/10, quân đội Syria đã mở mặt trận đô thị thứ hai tại thành phố Homs, sau Aleppo, buộc lực lượng chống đối tại hai thành phố này phải phòng thủ.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN