Bà Najet (52 tuổi) tại Nefta, cách thủ đô Tunis 500 km về phía Nam, chia sẻ: “Mẹ đã dạy tôi dệt vải từ khi còn nhỏ”. Hiện nay bà Najet đang mưu sinh bằng nghề dệt vải. Bà bán những tấm thảm kilim kiểu Thổ Nhĩ Kỳ của mình thông qua Shanti, một doanh nghiệp xã hội giúp các nghệ nhân từ khắp nơi ở Tunisia tiếp cận người mua và mang lại doanh thu quan trọng cho một số cộng đồng chịu thiệt thòi.
Shanti do chính cháu họ của bà Najet là anh Mehdi Baccouche thành lập. Mehdi Baccouche chia sẻ với AFP: “Tháo áo len cũ, xé quần áo bông cũ, làm thảm từ chúng, đó là một nghệ thuật dân gian trong tất cả các ngôi nhà ở Tunisia”.
Anh cho hay dù kỹ năng "đã tồn tại mãi mãi", nhưng việc tiếp cận người mua là một thách thức. Từ năm 2014, Mehdi Baccouche đã đề nghị bà Najet dệt thảm cho bạn bè của anh. Sau đó, Mehdi Baccouche chuyển sang bán sản phẩm này qua Facebook.
Hai năm sau đó, Mehdi Baccouche thành lập Shanti, chuyên bán thảm và chuyển sản phẩm này đến tay người mua. Shanti còn tuyển các nhà thiết kế cùng phối hợp với thợ dệt vải để nâng cao kỹ năng và khiến sản phẩm của họ phù hợp với việc bán ra thị trường.
Bà Najet cho biết: “Đây là những sáng tạo của tôi, đến từ sự tưởng tượng và Shanti giúp nâng cấp chúng”. Bà Najet sử dụng một loạt quần áo cũ từ chợ trời địa phương, mang đến cho chúng “một cuộc sống mới” với vai trò tấm thảm. Bà ít khi phải lo lắng về việc hết nguyên liệu thô.
Tại thị trấn 22.000 dân Nefta, Shanti còn thành lập một tiệm may mặc nơi các thợ dệt có thể sử dụng miễn phí len “thu hoạch” từ quần áo cũ. Con gái bà Najet chia sẻ trước đây các thợ thủ công phải chi trả tiền cho vật liệu và họ thu được 12-15 euro cho một tấm thảm kilim. Nhưng nay Shanti chi trả 40 euro cho mỗi tấm thảm và bán chúng tại Tunisia cũng như ở nước ngoài.