Thiếu nhân lực trầm trọng, Ukraine cân nhắc kế hoạch tăng cường huy động gây tranh cãi

Việc thiếu nhân lực không phải là tình trạng khó khăn duy nhất của Ukraine - nước này cũng đang rất cần viện trợ quân sự từ phương Tây, vốn ngày càng suy giảm khi xung đột kéo dài.

Chú thích ảnh
Ukraine đang thiếu nhân lực ở tiền tuyến. Ảnh: Defense of Ukraine

Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cách đây hai năm, những người đàn ông Ukraine đã hăng hái đổ xô đến các trung tâm tuyển quân trên khắp cả nước để nhập ngũ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc của họ.

Ngày nay, theo AP ngày 23/2, với việc Nga kiểm soát khoảng 1/4 lãnh thổ Ukraine và lực lượng quân sự hai bên gần như bế tắc dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km, tinh thần nhập ngũ đó đã phai nhạt: Nhiều đàn ông Ukraine đã tìm mọi cách để tránh ra trận.

Dọc theo chiến tuyến lạnh lẽo và lầy lội, các chỉ huy Ukraine cho biết đơn vị của họ quá “mỏng” và có quá nhiều binh lính kiệt sức cũng như bị thương. Khi cuộc chiến bước sang năm thứ 3, thách thức cấp bách và nhạy cảm nhất về mặt chính trị đang đè nặng lên Ukraine là liệu nước này có thể huy động đủ binh sĩ mới để đối đầu với đối thủ có ưu thế hơn cả về nhân lực và vật lực hay không.

Dân số Nga đông gấp ba lần Ukraine và Điện Kremlin đã thể hiện sẵn sàng huy động nếu không đủ quân tình nguyện.

Việc thiếu nhân lực không phải là tình trạng khó khăn duy nhất của Ukraine - nước này cũng đang rất cần viện trợ quân sự từ phương Tây, vốn ngày càng suy giảm khi xung đột kéo dài. Nhưng huy động đủ quân là bài toán chỉ Ukraine mới giải quyết được.

Quốc hội Ukraine đang xem xét dự luật nhằm tăng số lượng lính lên khoảng 400.000 quân, một phần bằng cách giảm độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25. Tuy nhiên, đề xuất này không được ủng hộ rộng rãi, buộc các quan chức chính quyền phải vật lộn với những câu hỏi liên quan đến tinh thần dân tộc: Liệu họ có thể thuyết phục đủ tân binh ra trận không? Và nếu không, họ có sẵn giải pháp thay thế chưa?

Một người lính Ukraine đang chiến đấu gần thành phố Avdiivka - nơi các đơn vị Ukraine rút lui vào tuần trước để bảo toàn lực lượng - cho biết đơn vị của mình gần đây đã bị áp đảo về quân số với tỷ lệ “1 chọi 5” so với phía Nga.

Vì không có đủ lực lượng dự bị để bổ sung nên binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến không được nghỉ ngơi đầy đủ giữa các đợt luân chuyển. Hai năm chiến đấu khốc liệt đã khiến họ mệt mỏi và dễ bị tổn thương hơn. Theo các cuộc phỏng vấn với hai chục binh sĩ Ukraine, trong đó có sáu chỉ huy, trong khi số tân binh quá ít, họ lại được huấn luyện kém hoặc cao tuổi.

Các chỉ huy Ukraine nói rằng họ không có đủ binh sĩ để tiến hành các cuộc tấn công và hầu như không đủ nhân lực để duy trì quyền kiểm soát các vị trí trong bối cảnh các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của phía Nga.

Theo Vadym Ivchenko, một nghị sĩ thuộc Ủy ban An ninh, quốc phòng và tình báo của Quốc hội Ukraine, các lữ đoàn khoảng 3.000 - 5.000 quân thường chỉ chiến đấu với 75% toàn bộ sức mạnh.
Dự luật đang được thảo luận tại Quốc hội Ukraine sẽ cho phép quân đội huy động thêm binh sĩ để những người đã tham chiến có thể được nghỉ ngơi nhiều hơn hoặc thậm chí được giải ngũ.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), dự luật đã gây ra làn sóng phản đối từ phe đối lập và một số thành viên trong chính quyền của Tổng thống Ukraine Zelensky. 

Ví dụ, một lời chỉ trích đối với dự luật đề xuất là nó không nêu chi tiết việc luân chuyển nhân sự tuyến đầu. Phe đối lập yêu cầu tất cả binh sĩ phải được quyền xuất ngũ sau 36 tháng phục vụ, nhưng luật đề xuất nói rằng việc này phải tùy theo quyết định của các chỉ huy quân sự.

Oleksiy Goncharenko, một nghị sĩ đối lập nổi tiếng, cảnh báo dự luật sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề của những người phục vụ trên chiến trường vì họ có thể phải đợi nhiều năm để có quyết định xuất ngũ. Ông lập luận rằng giới hạn 36 tháng cố định sẽ cải thiện tinh thần của những người lính đang kiệt sức.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tiêu điểm Quốc tế: Nhìn lại hai năm xung đột đẫm máu giữa Nga và Ukraine
Tiêu điểm Quốc tế: Nhìn lại hai năm xung đột đẫm máu giữa Nga và Ukraine

Ngày 24/2/2024 đánh dấu tròn hai năm bùng phát cuộc xung đột đẫm máu nhất, lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II, khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cuộc xung đột này chuẩn bị bước sang năm thứ ba và trước mắt vẫn chưa nhìn thấy cơ hội hòa bình.

Cuộc xung đột đã gây ra hàng chục nghìn thương vong quân sự, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn thường dân Ukraine. Ngoài ra, một số lượng lớn người bị thương và hàng triệu người phải di dời, chưa kể cơ sở hạ tầng của Ukraine bị tàn phá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN