Thị trấn 'màu nhiệm' được các vị thần sinh sản ban phước lành ở Nhật Bản

Trong khi tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đang giảm xuống mức báo động, một thị trấn ở nước này lại được ví là “nơi được các vị thần sinh sản ban phước lành”, khi tỷ lệ sinh cao gấp đôi tỷ lệ sinh của cả nước.

Chú thích ảnh
Một ông bố trẻ người Nhật Bản cùng hai đứa con sinh đôi trong xe đẩy. Ảnh: Shutterstock

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, dân số Nhật Bản đã giảm suốt 3 thập niên qua. Năm 2022, số ca sinh “xứ sở hoa anh đào” đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, lần đầu tiên ở mức dưới 800.000 ca.

Trong bài phát biểu vào tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng giảm tỷ lệ sinh của nước này và cho biết điều này phải được thực hiện “ngay hoặc không bao giờ nữa”.

“Khi nói đến các chính sách liên quan đến sinh con và nuôi con, chúng ta phải thực hiện ngay bây giờ hoặc không bao giờ.Vấn đề này không thể chờ đợi lâu hơn nữa”, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh.

Đó cũng là lý do một số người gọi những gì đang xảy ra ở thị trấn Nagi là một phép màu. Thậm chí vào tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin dân số bùng nổ đã khiến Nagi trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch. Mọi người bắt đầu đổ xô đến thị trấn này để chứng kiến “phép màu Nagi”. Tòa thị chính của thị trấn này đã tính phí các đoàn tham quan 73 USD và thêm 7,3 USD/người.

Nhưng “phép màu Nagi” không phải tự nhiên xảy đến, các chương trình mạng lưới an sinh xã hội - bao gồm các chính sách được thiết kế hướng tới dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng - đang giúp dân số ở Nagi tăng lên.

Tại thị trấn nhỏ bé này, các bậc phụ huynh chỉ phải trả tối đa 420 USD/tháng cho chi phí dịch vụ trông trẻ ban ngày cho đứa con đầu lòng. Còn với đứa con thứ hai, họ chỉ phải trả nửa giá đó, không quá 210 USD/tháng và chi phí sinh và nuôi con thứ 3 sẽ được miễn phí hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Năm 2022 chứng kiến lần đầu tiên tỷ lệ sinh xuống dưới mức 800.000 tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Các gia đình ở Nagi cũng nhận được khoản trợ cấp 1.000 USD/năm cho mỗi đứa trẻ nhập học trung học. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nhận được khoản thanh toán một lần sau khi sinh con, số tiền này sẽ tăng gấp đôi khi mỗi đứa con tiếp theo ra đời. Điều này tức là họ sẽ nhận được 879 USD cho lần sinh đầu tiên và khoản thanh toán 3.518 USD cho lần sinh con thứ ba. Thị trấn cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho tất cả trẻ em và trợ cấp nhà ở, theo CNN vào năm 2019.

Giới chức Nagi cho biết họ mất 2 thập kỷ để nâng tỷ lệ sinh của thị trấn, đồng thời phải hy sinh một số thứ khác - như giảm các dự án công trình công cộng. Hội đồng thị trấn cũng giảm số thành viên từ 14 xuống còn 10 người.

Ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, tỷ lệ sinh đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Tại Mỹ, tỷ lệ sinh đang giảm dần, mặc dù đã tăng lần đầu tiên sau 7 năm vào năm 2021. Theo giới chuyên gia, một phần nguyên nhân khiến mọi người không sinh con là chi phí nuôi dạy trẻ tăng cao. Và những cặp vợ chồng trẻ muốn có con thường không chi trả được những khoản chi phí này.

Nhưng đó không phải là xu hướng ở Nagi. Cư dân thị trấn nói cho biết những phụ nữ lớn tuổi tại thị trấn sẵn lòng giúp đỡ trông nom trẻ em với mức chi phí nhỏ.

Cô Nozomi Sakaino, mẹ của ba đứa trẻ, cho biết: “Ở Nagi, các bà mẹ giống như mẹ của tất cả mọi người. Chúng tôi chăm sóc con cái của nhau.”

Dù vẫn có số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh nở mỗi năm, nhưng Nagi đang cố gắng giữ cho dân số ổn định bằng cách thu hút các cặp vợ chồng trẻ. Một chính sách kéo dài từ nay đến cuối tháng 3 sẽ cung cấp 4.400 USD cho các cặp vợ chồng ở độ tuổi 20 đăng ký kết hôn tại thị trấn và 2.200 USD cho các cặp ở độ tuổi 30.

Chú thích ảnh

Các em bé tham gia cuộc thi bò dành cho trẻ sơ sinh tại Yokohama,ngoại ô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đây chính là mô hình mà Nhật Bản muốn xây dựng ở cấp quốc gia. Trong nhiều năm qua, nước này đã cố gắng khuyến khích các hộ gia đình sinh con với những cam kết tăng tiền thưởng và phúc lợi.

Giới chức cũng thử nghiệm nhiều chính sách mới để giảm bớt gánh nặng chi phí nuôi con cho người dân. Chẳng hạn, hồi năm 1994, “Kế hoạch Thiên thần” của chính phủ đã cung cấp dịch vụ tư vấn giảm bớt áp lực của việc làm cha mẹ. “Kế hoạch Thiên thần Mới” được sửa đổi nhiều năm sau đó đã chi trả cho các bậc cha mẹ khoảng 280 USD/tháng/đứa trẻ để giúp các bậc cha mẹ trang trải chi phí nuôi dạy trẻ.

Nhưng Nhật Bản vẫn được coi là một trong những quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới. Dân số thấp kỷ lục cho thấy các biện pháp trước đây vẫn chưa đủ. Tính đến năm 2020, GoBankingRates xác định rằng chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản đắt thứ 8 trên thế giới, cao hơn cả Mỹ, Anh và Hàn Quốc.

Ngoài ra, tình trạng người dân di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng cũng đang làm trầm trọng thêm tình hình ở Nhật Bản. Quốc gia này hiện có trên 93% dân số sống ở thành thị. Không gian chật chội cùng với chi phí sinh hoạt cao khiến các hộ gia đình gặp khó khăn hơn trong việc chăm sóc trẻ em.

Chính sách an sinh xã hội hấp dẫn của Nagi dành cho các gia đình có trẻ em, tương tự các chương trình ngắn hạn ở Mỹ, đã giúp giảm bớt gánh nặng chăm sóc trẻ trong những năm gần đây. Chẳng hạn, trong nửa cuối năm 2021, hàng triệu gia đình đã nhận được thẻ tín dụng thuế dành cho trẻ em hàng tháng, giúp giảm áp lực chi phí sinh hoạt cho các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu và đang đi làm.

Và các quốc gia khác đang học hỏi kinh nghiệm từ Nagi. Ông Kang Mu-seung, quan chức Hàn Quốc đến thăm Nagi, chia sẻ với tờ Wall Street Journal: “Chúng tôi cũng muốn đưa ra những chính sách tương tự thị trấn màu nhiệm này”.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Chính phủ Nhật Bản trở thành 'ông mai bà mối', nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh
Chính phủ Nhật Bản trở thành 'ông mai bà mối', nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh

Chưa bao giờ trong lịch sử Nhật Bản, chính phủ đóng một vai trò rõ ràng và đi sâu vào các vấn đề tình cảm của người dân như hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN