Thế giới tuần qua: Vụ không kích Syria chớp nhoáng 60 phút

Cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp tối 13/4 nhằm trừng phạt chính quyền Syria do nghi nước này sử dụng vũ khí hóa học là sự kiện nóng nhất tuần qua.

Màn đấu tên lửa chớp nhoáng chưa đầy 60 phút

Chiến đấu cơ Rafale của Pháp tại căn cứ không quân ở miền bắc Saint-Dizier. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tối 13/4 (rạng sáng 14/4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tấn công Syria, sau khi cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma ngày 7/4 thuộc khu vực Đông Ghouta khiến ít nhất 40 người thiệt mạng.

Tổng thống Trump cho biết các lực lượng vũ trang Anh và Pháp cũng tham gia cùng Mỹ trong chiến dịch tấn công này, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ duy trì biện pháp đáp trả quân sự này cho đến khi Syria dừng sử dụng vũ khí hóa học.

Ngay sau lời phát lệnh tấn công, các nhân chứng tường thuật nghe thấy nhiều vụ nổ lớn tại thủ đô Damascus của Syria và khói bốc lên từ phía Đông thành phố.

Theo quan chức quốc phòng Mỹ, Washington đã phóng khoảng 103 quả tên lửa hành trình Tomahawk từ máy bay và tàu chiến hải quân để tấn công Syria. Về phần mình, Anh đã điều 4 máy bay chiến đấu Tornado của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) trong khi tài khoản mạng xã hội Twitter của Văn phòng Tổng thống Pháp đăng tải video cho thấy máy bay chiến đấu Rafale của nước này được huy động tham gia chiến dịch tấn công Syria.

Phản ứng trước vụ tấn công “hội đồng”, chính phủ Syria ngay lập tức đáp trả. Quân đội Nga cho biết các đơn vị phòng không của Syria đã đánh chặn thành công 71 trong tổng số 103 tên lửa Tomahawk được triển khai.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết không có tên lửa nào của Mỹ, Anh và Pháp bắn vào khu vực thuộc trách nhiệm bảo vệ của lực lượng phòng không của Nga tại 2 căn cứ quân sự của Nga tại Tartus và Hmeimim. Khu vực trụ sở chính phủ ở Damascus và dinh Tổng thống không bị thiệt hại. Ban Tham mưu Syria báo cáo có ít nhất 3 dân thường bị thương trong cuộc tấn công.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford nêu rõ 3 địa điểm bị trúng hỏa lực của Mỹ tại Syria trong vụ tấn công, bao gồm: một trung tâm nghiên cứu khoa học tại thủ đô Damascus, kho vũ khí hóa học tại phía Tây tỉnh Homs và cuối cùng là cơ sở chỉ huy, tích trữ thiết bị vũ khí gần sát địa điểm vừa nêu ở Homs.

Cũng theo Tướng Dunford, toàn bộ chiến dịch đã kết thúc trong chưa tới 60 phút. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định cuộc tấn công Mỹ triển khai tối 13/4 là một cuộc tấn công giới hạn, hoàn toàn chỉ thực hiện một lần duy nhất. Tuy nhiên, tuyên bố của ông không loại trừ những cuộc tấn công tiếp theo.

Ngay sau khi đợt không kích kết thúc, người dân Syria đã xuống đường ăn mừng. Hàng trăm người tụ tập tại thủ đô Damascus vẫy cờ và hô vang các khẩu hiệu chiến thắng. Giới phân tích cho rằng lần đánh chặn tên lửa Mỹ lần này được nhìn nhận như là chiến thắng quan trọng của Tổng thống Assad và quân đội Syria, khi dường như Damascus đã có cách để đối phó với tên lửa Mỹ.


Phản ứng trước cuộc tấn công của liên minh, truyền hình nhà nước Syria cho rằng chiến dịch này là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Chiến dịch tấn công của Mỹ và đồng minh sẽ thất bại và không thể cứu được "các công cụ khủng bố" ở Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công quân sự của Mỹ và các đồng minh Pháp và Anh nhằm vào Syria là hành động vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh hành vi thù địch này sẽ dẫn tới hậu quả nhân đạo nghiêm trọng.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố cuộc tấn công quân sự của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Syria là một "tội ác”.

Theo Tân Hoa Xã, trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bày tỏ phản đối việc sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế đồng thời kêu gọi các bên liên quan "trở lại khuôn khổ luật pháp quốc tế và giải quyết vấn đề Syria thông qua đối thoại và tham vấn".

Hàng loạt nước đã lên tiếng chỉ trích hành động của Mỹ-Pháp-Anh tấn công một quốc gia có chủ quyền.

Vì một tương lai châu Á thịnh vượng

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp các thành viên Ban Tổ chức Diễn đàn châu Á Bác Ngao tại Hải Nam ngày 11/4. Ảnh: THX/TTXVN.

Trong vòng 4 ngày kéo dài từ 8 đến 11/4, hơn 2.000 đại biểu và hơn 1.000 nhà báo đã tham gia thảo luận đề xuất trong hơn 60 phiên họp quan trọng thuộc khuôn khổ Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 (BFA) tổ chức tại thành phố duyên hải Bác Ngao trên đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc BFA 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cao các đề xuất tại Diễn đàn Bác Ngao, tập trung vào triển vọng phát triển của châu Á và toàn cầu, giúp xây dựng lòng tin tại châu Á, khuyến khích hợp tác, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và tăng cường xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh. Giới phân tích hoan nghênh bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, khẳng định các biện pháp này không chỉ là yếu tố giúp Bắc Kinh củng cố đất nước, duy trì việc tăng cường mở cửa mà còn là lời giải nhằm làm dịu nỗi lo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tại hội nghị BFA, lãnh đạo các nước cùng các đại biểu đã tập trung thảo luận các chủ đề cải cách, mở cửa, sáng tạo, đồng thời nhất trí cho rằng toàn cầu hóa là điều không thể đảo ngược, trong khi thương mại mở cửa, tự do, các bên cùng có lợi là phù hợp với lợi ích chung của châu Á, châu Âu và các khu vực khác trên thế giới.

Trước những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cao sau khi Mỹ áp đặt mức thuế mới đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu, đại biểu tham dự hối thúc chính phủ các nước "cần tránh xa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức", nhấn mạnh hệ thống thương mại đa phương đã khiến thế giới thay đổi hoàn toàn khi giúp giảm một nửa tỷ lệ dân số sống trong nghèo đói trên toàn cầu.

Trong khuôn khổ BFA 2018, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã được bầu làm Chủ tịch mới của diễn đàn này.

Với việc tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của "mở cửa", Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 đã một lần nữa khẳng định xu thế không thể đảo ngược của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Chặn được 71 trên 103 quả tên lửa, binh sĩ và người dân Syria đổ ra đường ăn mừng
Chặn được 71 trên 103 quả tên lửa, binh sĩ và người dân Syria đổ ra đường ăn mừng

Sau khi Mỹ, Anh và Pháp cùng hợp lực tấn công một số vị trí tại Syria, đến sáng 14/4 người dân thủ đô Damascus đã đổ ra đường, phất quốc kỳ đầy hân hoan sau khi phòng không Syria chặn được 71 trên tổng số 103 tên lửa phóng vào quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN