Thế giới tuần qua: 'Bộ tứ Normandy' ra tuyên bố chung, Mỹ-Trung đạt thỏa thuận giai đoạn 1

Hội nghị thượng đỉnh giữa các lãnh đạo "bộ tứ Normandy" cùng diễn biến mới trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung là những vấn đề thế giới nổi bật trong tuần qua.

Tuyên bố ngừng bắn ở Đông Ukraine

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh Normandy. Ảnh: AFP

Ukraine và Nga đã có những bước tiến thận trọng hướng tới kết thúc xung đột ở Đông Ukraine qua hội nghị thượng đỉnh Normandy tổ chức tại Paris (Pháp) ngày 9/12. 

Lãnh đạo Đức, Pháp, Ukraine và Nga đã gặp tại Paris và họp trong 5 tiếng rưỡi. Cuối cùng họ cũng đạt được kết quả là tất cả các bên cam kết thực hiện “đầy đủ và toàn diện một lệnh ngừng bắn” tại Ukraine vào cuối năm 2019.

Các lãnh đạo "bộ tứ" đều ca ngợi kết quả của hội nghị thượng đỉnh Normandy tại Paris. 

Cuộc họp 9/12 là lần đầu tiên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Trước hội nghị thượng đỉnh Normandy, hai nhà lãnh đạo đã có động thái thể hiện cam kết khi đạt thỏa thuận trao đổi tù nhân.

Tại Paris, hai nhà lãnh đạo này cũng thể hiện thống nhất hướng tới bầu cử địa phương tại Đông Ukraine. Tuy nhiên, họ cũng tránh đề cập đến điều được quan tâm nhất là khi nào sự kiện này được tổ chức và khu vực Đông Ukraine sẽ mang tình trạng pháp lý nào.

Tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine muốn kiểm soát toàn bộ phần lãnh thổ phía Đông ngay cả trước khi cuộc bầu cử được tổ chức.

Trong khi đó, khi các phóng viên đặt câu hỏi về cuộc gặp song phương với người đồng cấp Ukraine, Tổng thống Putin trả lời: “Nó rất tốt và tôi thực sự hài lòng”.

Theo thông cáo báo chí sau hội nghị thượng đỉnh, các phía thống nhất cam kết về ngừng bắn trước cuối năm 2019. Bên cạnh đó là thỏa thuận trao đổi tù nhân mới. Nếu được triển khai thì đây là lần trao đổi tù nhân thứ hai sau cuộc bầu cử Ukraine từ tháng 4.

Theo CNN, cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Zelensky tại Paris (Pháp) không giải quyết được vấn đề lớn nhất ai sẽ kiểm soát Đông Ukraine khi bầu cử diễn ra tại khu vực này nhưng điều quan trọng là sự kiện này cho thấy lãnh đạo Nga và Ukraine đã cùng cam kết về đối thoại.

Thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" giữa Mỹ và Trung Quốc

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại sự kiện ở Osaka, Nhật Bản trong tháng 6. Ảnh: Reuters 

Mỹ và Trung Quốc đã hạ nhiệt chiến tranh thương mại trong ngày 13/12 khi tuyên bố đạt thỏa thuận “giai đoạn 1”, theo đó giảm một số mức thuế của Mỹ với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đổi lại Bắc Kinh tăng mua các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa khác của Washington.

Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Twitter sáng 13/12: “Chúng tôi đã thống nhất thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc đã thống nhất nhiều thay đổi cấu trúc và mua lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, hàng hóa… của Mỹ”.

Nhà lãnh đạo Mỹ sau đó phát biểu với các phóng viên ở Nhà Trắng rằng Trung Quốc có thể mua nông sản Mỹ trị giá 50 tỷ USD. Nhưng trong cuộc họp báo tại Bắc kinh, các quan chức Trung Quốc chỉ cho biết hai phía thống nhất về nội dung của thỏa thuận mà không nêu rõ nước này đồng ý mua bao nhiêu hàng hóa của Mỹ.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ cho biết Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ Mỹ trị giá 200 tỷ USD trong 2 năm tới. Nếu thỏa thuận này được hiện thực hóa, thì đây sẽ là bước nhảy vọt trong xuất khẩu của Mỹ tới Trung Quốc. Cục Phân tích Dữ liệu Mỹ cho biết Trung Quốc đã mua hàng hóa Mỹ trị giá 130 tỷ USD từ năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia nổ ra.

Về phía Mỹ, nước này dự kiến ngưng áp thuế và giảm thuế đối với một số hàng hóa Trung Quốc. Tổng tống Trump nêu rõ sẽ không áp mức thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD gồm điện thoại thông minh, máy tính… vào ngày 15/12 theo kế hoạch.

Thỏa thuận dài 86 trang dự kiến được ký kết vào tuần đầu tháng 1/2020 tại Washington.

Chuyên gia về Trung Quốc – ông Michael Pillsbury - nhận định với tờ Politico rằng quyết định cắt giảm thuế của Tổng thống Trump là “cử chỉ thiện chí”.

Một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump cũng thừa nhận đang hướng đến thỏa thuận “giai đoạn 2” với Bắc Kinh trong đó yêu cầu giải quyết nhiều vấn đề khó khăn.

Nông dân Mỹ đã đón nhận tích cực diễn biến này. Ông Brian Kuehl, đồng Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nông dân vì Tự do thương mại nhận định: “Nông dân muốn tiếp cận bền vững thị trường Trung Quốc do họ rất chú ý tới việc xử lý các mức thuế đối với nông sản trong thỏa thuận này”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Trung Quốc thông báo về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ
Trung Quốc thông báo về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ

Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí xây dựng thỏa thuận thương mại và kinh tế song phương giai đoạn 1 dựa trên nguyên tắc công bằng và tôn trọng lẫn nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN