Thảm họa động đất ở Maroc: Nỗi đau đớn và rối bời của người sống sót

Một nửa dân làng Ijjoukak ở Maroc được cho là đã chết, trong khi những người sống sót chẳng biết phải sống tiếp thế nào. 

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát sau thảm họa động đất tại Amizmiz, Maroc, ngày 11/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Nỗi đau của người còn sống

Cách thành phố du lịch Marrakesh khoảng hai tiếng rưỡi lái xe, ngôi làng nghèo khó Ijjoukak nằm trên sườn núi có rất ít cơ hội chống lại trận động đất có độ lớn 6,8. Hàng trăm cư dân đã phải chờ ba ngày để được giải cứu sau khi trận động đất xé toạc dãy núi Atlas vào khoảng 11 giờ đêm 8/9. 

Các thống kê vẫn chênh lệch, nhưng khoảng 80 - 100 người, tương đương với một nửa dân làng, được cho là đã thiệt mạng vì động đất. Những người khác qua đời trong lúc chờ đợi sự giúp đỡ.

Cùng lúc đó, dân làng không còn cách nào khác là phải tự đào bới đống đổ nát và đưa thi thể của bạn bè, người thân và hàng xóm ra ngoài.

Ngay khi động đất xảy ra, cô Henya Bilau đã thiệt mạng. Chín thành viên trong đại gia đình của cô đã chết vào cùng một đêm.

Các con của Henya – Youssef 5 tuổi và Jihan 2 tuổi, đang ngủ vùi trong chiếc địu vải đeo trên vai của dì – vẫn chưa hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Youssef vui vẻ chơi đùa cùng một bạn nhỏ hàng xóm.
Dì Saida Ben Nasser kể lại: “Bức tường đổ xuống người Henya. Những đứa trẻ bị văng bật ra ngoài”. Giờ đây, họ cũng như hàng trăm người khác đang chờ đợi bên ngoài Bệnh viện Đại học ở Marrakesh để chờ bà ngoại được ra viện cùng chăm sóc bọn trẻ.

Sau khoảng thời gian tưởng chừng như vĩnh cửu, chồng của Henya, Omar mới bình tĩnh trở lại. Anh Omar đang đi làm công trình xây dựng ở Casablanca khi trận động đất xảy ra. 

Cất giọng khàn đặc, anh chia sẻ bản thân không biết phải làm gì tiếp theo. Ngôi nhà của gia đình họ đã bị phá hủy. Họ chẳng có nơi nào để nương náu. 

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau thảm họa động đất tại Amizmiz, Maroc, ngày 10/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Trong câu chuyện của anh Musa Bouissirfane, anh đã tìm được và chôn cất thi thể của những người thân xấu số. Nhưng chính tương lai của cuộc đời anh thì vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát ở làng Tafeghaghte.

“Việc mất toàn bộ gia đình và tất cả tài sản là một thách thức vô cùng lớn. Chúng tôi đã mất tất cả – nhà cửa, gia súc và tài sản”, Bouissirfane rớt nước mắt nói.

Cách đây chưa đầy một tuần, anh còn vui mừng khi con gái được lên lớp hai. Mà giờ đây, anh ngồi thương xót về cái chết của cô bé. Nằm cách xa khu vực có xe cứu thương và sự hỗ trợ chính quyền, dân làng Tafeghaghte không thể đưa được thi thể của cô bé ra ngoài sau hơn 14 giờ. Trận động đất còn giết chết cha mẹ của anh Bouissirfane và một cô cháu gái. Vợ anh may mắn thoát chết, nhưng cần chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.  

Tỉnh miền núi Al Haouz đầy rẫy những ngôi làng nằm rải rác quanh những ngọn đồi. Theo chính quyền Maroc, khoảng 1.500 người đã thiệt mạng trong trận động đất tại riêng khu vực này.

Một quan chức chính phủ Maroc nói rằng những con đường núi dẫn đến các ngôi làng đã bị phá hủy và đang gây khó khăn cho hoạt động viện trợ. Người dân ở đó không có lựa chọn nào khác ngoài chờ đợi.

Nhưng đối với AbdelHaq Edabdelah, 17 tuổi, sự chờ đợi đó là không thể chịu đựng nổi. Cơn đau trên vai cậu quá dữ dội để có thể bình tĩnh.

Người thợ xây trẻ tuổi bị thương khi ngôi nhà của cậu ở làng Ifghan bị sập. Người hàng xóm Abdeltif Ait Bensoli kể rằng cơ thể của Edabdelah đã bị chôn vùi hoàn toàn trong đống đổ nát, chỉ có phần đầu nhô ra ngoài.

Những người xung quanh đã cố gắng kéo cậu ra ngoài, nhưng vai cậu đã bị lệch và bầm tím. Edabdelah đang rất đau đớn và không ai trong làng biết cách để giúp đỡ. Không thuốc giảm đau, không sơ cứu.

Edabdelah đã đợi hai ngày, ngủ ngoài trời với những người còn lại trong làng. Nhưng mãi không có ai đến, hàng xóm quyết định đưa cậu đi bộ xuống núi để tìm bác sĩ.  “Con đường bị đá lở chặn đứng. Không thể đi qua bằng ô tô”, Ait Bensoli nói.

Chú thích ảnh
Người phụ nữ đau buồn vì mất người thân và nhà cửa. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình thương ái lẫn nhau

Các phòng bệnh và hành lang của bệnh viên đều chật kín. 

Trên khắp Maroc, mọi người đang làm mọi thứ có thể để giúp đỡ những nạn nhân còn sống. Ngoài những chuyến xe cứu thương, chở hàng cứu trợ khẩn cấp tiến vào vùng núi, còn có những hàng người chờ đợi nhiều giờ để hiến máu.

Bác sĩ Samia el-Fezzani, người phụ trách Bệnh viện Đại học ở Marrakesh, đã từ chối nhiều người đề nghị hiến máu vì cơ sở y tế này đã tiếp nhận được lượng máu vượt quả khả năng xử lý. Bà Samia giải thích: “Lượng máu được hiến đã tăng gấp ba lần sau động đất. Chúng tôi chỉ có thể bảo quản máu trong 42 giờ, vì vậy chúng tôi cần phải sắp xếp lại nguồn cung”. 

Các tình nguyện viên cũng tham gia hỗ trợ tại bệnh viện. Họ xử lý mọi việc từ đăng ký đến quản lý hàng trăm người ngồi chờ đợi ngoài sảnh, cũng như bên trong các phòng bệnh đông đúc. 

Chú thích ảnh
Cô Houda al-Bass đã liên tục hiến máu cho nạn nhân động đất. Ảnh: Al Jazeera

Cô Houda al-Bass, nhân viên văn phòng 23 tuổi, đã vi phạm quy định về hiến máu. Mỗi lần hiến máu phải cách nhau hơn một tháng. Nhưng Houda đã quyên góp năm lần kể từ khi trận động đất xảy ra.

Cô nói: “Sếp không cho tôi nghỉ phép, tôi không quan tâm. Tôi biết nhiều người sống ở vùng núi này… Đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Tôi không thể quyên góp tiền của mình, tôi không thể quyên góp thời gian của mình. Máu là tất cả những gì tôi có thể cho đi”.

Chuyến thăm của Quốc vương Maroc

Bác sĩ el-Fezzani hy vọng thảm họa động đất vừa cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người sẽ tạo ra bước ngoặt cho người dân ở khu vực miền núi này. Bà chờ đợi những công trình nhà ở kiên cố và đường giao thông mới sẽ mọc lên sau thảm họa, song hành cùng những nét văn hóa truyền thống. 

Các ngôi làng miền núi xa xôi bắt đầu được tiếp cận với nhiều nguồn cứu trợ hơn. Nhưng một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn nằm ngoài khả năng tiếp cận của nhân viên cứu hộ, gây tắc nghẽn trong viện trợ. Và ở một số nơi đã xuất hiện tình khan hiếm nhu yếu phẩm khiến người dân bất bình. 

Tuy nhiên, kể từ chuyến thăm của Nhà vua Mohammed VI hôm 12/9, những nguồn lực đổ về đây đã tăng lên đáng kể. Ngày càng có nhiều xe tải quân đội xếp hàng trong tình trạng ùn tắc giao thông để đến những ngôi làng nằm trên dãy Atlas. Số lượng lều trại và phòng khám tạm thời đã tăng lên kể từ khi hoàng gia can thiệp.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông tìm kiến những đồ dùng còn sót lại trong đống đổ nát. Ảnh: THX/TTXVN

Dù vậy, trên khắp các ngọn núi, các thi thể vẫn nằm trong đống đổ nát, trong khi dân làng địa cùng lực lượng cứu hộ trong nước và quốc tế nỗ lực tiếp cận họ. Những con chó được huấn luyện để phát hiện sự sống ngày càng ít cơ hội để sủa báo động.  

Anh Mohammed Ait Alla, 31 tuổi, thật may mắn. Anh và người vợ đang mang thai tháng cuối Nayima, đến từ ngôi làng nhỏ Sidi Rahal, đã thoát khỏi thiệt hại nặng nề nhất.

“Tôi nghe thấy tiếng rung chuyển trước khi có thể cảm nhận được nó. Đèn tắt và tôi nghe thấy tiếng người chạy. Chúng tôi cũng cố gắng chạy”, người đàn ông kể lại. 

Cuối cùng, một chiếc xe cấp cứu đã đến đưa họ đến ngôi làng lân cận, nơi một người dân làng khác chở hai vợ chồng Mohammed đến trung tâm Marrakesh. Nayima sinh một bé trai ngay sau đó.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera/CNN)
Nhà vua Maroc hiến máu cho nạn nhân động đất
Nhà vua Maroc hiến máu cho nạn nhân động đất

Vua Maroc Mohammed VI đã đến thăm bệnh viện và hiến máu để hỗ trợ điều trị cho nạn nhân thảm họa động đất. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN