Thái Lan công bố dự luật mới chống tin tặc sau vụ WannaCry

Chính quyền Thái Lan ngày 17/5 đã công bố dự luật mới liên quan tới không gian mạng, theo đó cho phép các cơ quan chức năng được quyền truy cập hệ thống máy tính của bất kỳ bộ phận tư nhân nào trong nước, một công cụ được cho là cần thiết để đối phó với nạn tin tặc đang hoành hành.

Một lập trình viên nỗ lực giải mã độc trong vụ tấn công mạng ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) ngày 13/5. Ảnh: EPA/ TTXVN

Dự luật này được đưa ra sau khi xảy ra vụ tấn công không gian mạng từ mã độc tống tiền "WannaCry", gây ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống máy tính trên toàn thế giới.

Dự luật mới đề xuất thành lập Ủy ban An ninh mạng quốc gia, do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đứng đầu. Ủy ban này sẽ giám sát năng lực phòng thủ mạng và được quyền truy cập vào máy tính của bất kỳ công ty tư nhân hoặc công dân nào trong nước khi có lệnh tòa án. Ngoài ra, dự luật mới cũng đề xuất việc tạm thời không cần ngay lệnh của tòa trong những "trường hợp khẩn cấp quốc gia" cần nhanh chóng hành động.

Ông Pisit Pao-in - một thành viên của ủy ban soạn thảo dự luật nêu trên, cho biết thường các quan chức phải được tòa án chấp thuận trước khi truy cập vào dữ liệu của công ty tư nhân, song dự luật mới cũng sẽ cho phép họ thực hiện thao tác này mà không cần lệnh tòa án trong trường hợp khẩn cấp. Đó là trường hợp sắp xảy ra một mối đe dọa nguy hiểm đối với đại bộ phận xã hội hoặc mối đe dọa đối với an ninh đất nước.

Ông Pisit cũng thừa nhận đây là một "sự trùng hợp ngẫu nhiên" khi dự luật mới được công bố đúng vào tuần lễ xảy ra vụ vụ tấn công mạng từ mã độc WannaCry.

Dự luật này được kỳ vọng sẽ là một công cụ chống tin tặc hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng được coi là một dự luật gây tranh cãi do trước đây Thái Lan đã thông qua các luật khác liên quan tới việc hạn chế truy cập vào không gian mạng chung.

Liên quan vụ tấn công mạng toàn cầu, Cơ quan an ninh mạng Hàn Quốc (KISA) cùng ngày cho biết đến nay hệ thống máy tính của 14 công ty tại nước này đã bị nhiễm mã độc. KISA cho biết đã nhận được hơn 5.000 cuộc gọi yêu cầu điều tra các vụ đòi tiền chuộc thông qua đường dây nóng của cơ quan này.

KISA hiện khuyến cáo người dùng máy tính nên tiếp tục cập nhật phiên bản Windows mới nhất cho máy tính để ngăn chặn các vụ tấn công tiềm tàng.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy hiện đã có hơn 200.000 máy tính tại 150 quốc gia trên toàn thế giới đã bị lây nhiễm loại mã độc WannaCry.

Như vậy, con số máy tính bị nhiễm đã tăng gấp đôi so với thời điểm ngày 13/5 và số lượng quốc gia có máy tính bị ảnh hưởng cũng tăng gấp rưỡi, gây thiệt hại kinh tế ước tính trên 62 tỷ USD. Con số này có thể còn tiếp tục tăng.

Mã độc WannaCry yêu cầu nạn nhân trả khoảng 300 USD thông qua tiền ảo Bitcoin nếu muốn giải mã. Số tiền này sẽ tăng gấp đôi sau 3 ngày, nếu người dùng không thanh toán kể từ cảnh báo đầu tiên. Dữ liệu trong máy tính sẽ bị xóa sau 7 ngày nếu yêu cầu của hacker không được đáp ứng.

Theo giới chuyên gia, WannaCry sử dụng phương thức mã hóa phức tạp, mỗi tập tin bị khóa có "chìa" riêng mà chỉ kẻ tấn công mới có thể mở.

TTXVN/Tin Tức
WannaCry chưa lắng, tin tặc lại sắp rao bán mã bí mật siêu quan trọng
WannaCry chưa lắng, tin tặc lại sắp rao bán mã bí mật siêu quan trọng

Nhóm tin tặc đứng đằng sau vụ rò rỉ các công cụ của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị sử dụng để thực hiện vụ tấn công máy tính ở trên 150 quốc gia vừa qua, sẽ sớm bán mã mật có khả năng đột nhập vào một số công nghệ quan trọng nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN