Zuellig Pharma, một trong những tập đoàn phân phối thuốc hàng đầu ở châu Á, đang đối mặt với một loạt thách thức lớn trong việc phân phối vaccine phòng COVID-19 trên toàn khu vực này, từ việc bảo quản lạnh vaccine trong cái nóng của vùng nhiệt đới, cho đến vận chuyển vaccine tới những hòn đảo xa xôi trong bối cảnh nhiều nước châu Á đã bắt đầu gấp rút tiến hành chiến dịch tiêm phòng.
Zuellig Pharma có khoảng 85 kho trữ thuốc trên toàn châu Á có thể bảo quản vaccine ở nhiệt độ rất thấp và phát triển một mạng lưới phân phối rộng khắp. Chuỗi bảo quản lạnh đóng vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo vaccine phòng COVID-19 được bảo quản ở nhiệt độ thấp trong quá trình sản xuất, vận chuyển bằng đường hàng không ra nước khác, trữ trong nhà kho hay phân phối tới các bệnh viện và phòng khám của bác sĩ.
Phó Chủ tịch điều hành Zuellig Pharma phụ trách mảng dịch vụ phân phối và khách hàng, Tom Vanmolkot nói:" Chuỗi bảo quản lạnh vaccine là rất quan trọng trước tiên và trên hết là vì sự an toàn của bệnh nhân. Chúng tôi không thể phân phối vaccine không được bảo quản trong chuỗi làm lạnh này".
Tuy nhiên, việc này đặc biệt khó khăn ở một số nước như Philippines, Indonesia và Campuchia... những nước có nhiệt độ thường trên 30 độ C. Trong khi đó vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) hợp tác sản xuất, cần được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C và một khi được đưa ra sử dụng thì vaccine này phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C trong vòng 5 ngày. Còn vaccine của hãng Moderna (Mỹ) cần được bảo quản ở âm 20 độ C trong khi vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C.
Tập đoàn Zuellig Pharma đã phát triển một hộp đặc biệt để vận chuyển và bảo quản lạnh vaccine. Hộp này có các thiết bị đo nhiệt độ và đảm bảo chuỗi bảo quản lạnh không bị gián đoạn. Ngoài ra, tập đoàn cũng có các đội xe chuyên dụng vận chuyển vaccine và đang làm việc với chính phủ các nước để đảm bảo vaccine được vận chuyển đến đúng địa điểm và đúng giờ.
Tuy nhiên, một số nước ở châu Á như Philippines và Indonesia có đặc điểm địa lý gồm các quần đảo, trong đó có những đảo nghèo xa xôi. Đây là nguyên nhân khiến cho hoạt động phân phối vaccine phòng COVID-19 trở nên khó khăn hơn vì vẫn phải đảm bảo tính hiệu quả của vaccine.
Theo ông Vanmolkot, cho đến nay, thách thức lớn nhất của tập đoàn là việc phân phối vaccine phòng COVID-19 bởi có liên quan tới số lượng liều vaccine trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn ra. Mỗi năm, hoạt động phân phối vaccine phòng cảm cúm cũng liên quan đến viện vận chuyển một số lượng lớn liều vaccine trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, hoạt động này thường chỉ diễn ra trong vài tuần trong khi việc phân phối vaccine phòng COVID-19 lại mất hàng tháng.