Thách thức đối nội, đối ngoại của ông Obama nhiệm kỳ hai

Cho dù ngay sau cuộc tổng tuyển cử đã có những phát biểu mang tính hòa giải giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ với phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát đa số tại Hạ viện, nhưng dư luận chung ngày 8/11 cho rằng Tổng thống Barack Obama, người vừa tái cử nhiệm kỳ thứ hai, vẫn đang đứng trước một loạt thách thức, cả trong các vấn đề đối nội và đối ngoại.

Cho tới nay các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Quốc hội vẫn còn bất đồng sâu sắc về vấn đề chính sách thuế được cử tri quan tâm sâu sắc. Nhà Trắng và các nghị sỹ của đảng Dân chủ có chủ trương tăng thuế đối với người giàu, với mức thu nhập từ 200.000 USD/năm đối với cá nhân và từ 250.000 USD/năm đối với các cặp vợ chồng trở lên. Việc tăng thuế này sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách, góp phần xử lý vấn đề nợ quốc gia.

Người Mỹ biểu tình ủng hộ tăng thuế đánh vào người thu nhập cao. Ảnh: Internet


Tuy nhiên, quan điểm của các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Quốc hội lại cho rằng người có tiền là động lực của nền kinh tế, do vậy nếu tăng thuế sẽ làm giảm đầu tư, do vậy có hại đối với nền kinh tế.

Biểu hiện của tình hình căng thẳng là việc ngày 8/11, trước khi bước vào các cuộc thương lượng, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner thẳng thừng tuyên bố mọi sự tăng thuế đều "không thể chấp nhận". Ông Boehner cảnh báo rằng phương án tăng thuế không chỉ không thể được thông qua tại Hạ viện mà ngay cả tại Thượng viện cũng chưa có gì bảo đảm.

Quốc hội Mỹ cũng đang đứng trước thời hạn chót vào ngày 31/12/2012 tới, đạo luật giảm thuế thu nhập 2% sẽ hết hạn. Nếu các bên không có nhượng bộ, ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ sẽ tự động bị cắt giảm 1.200 tỷ USD trong 10 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2013, trong đó gần một nửa là ngân sách quốc phòng.

Một thách thức nữa đối với chính quyền của Tổng thống Obama là thuyết phục Quốc hội nâng mức trần nợ quốc gia sắp tới giới hạn 16.400 tỷ USD mà Quốc hội đã cho phép. Người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Boehner cho biết kể từ khi kết thúc bầu cử đến nay vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch gặp gỡ nào giữa ông Boehner và Tổng thống Obama.

Về đối ngoại, các phương tiện truyền thông Mỹ cho biết Tổng thống Obama cũng đang đứng trước một loạt thách thức cần giải quyết. Bốn năm cầm quyền đầu tiên ông Obama vẫn chưa thực hiện được lời cam kết thúc đẩy Israel và Palestin ký kết hiệp định hòa bình lâu dài. Ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran nhưng không phải phát động một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông cũng đang là một sức ép đối với ông Obama, nhất là trong bối cảnh Israel luôn đe dọa có thể đơn phương tiến hành một cuộc không kích vào các cơ sở tình nghi sản xuất vũ khí hạt nhân ở Iran. Vai trò nổi lên của các chính đảng Hồi giáo sau cái gọi là "Mùa Xuân Arập" tại khu vực Bắc Phi cũng báo hiệu nguy cơ gia tăng chủ nghĩa cực đoan trong khu vực này.

Một vấn đề đối ngoại cấp bách khác đối với Nhà Trắng là cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng tại Syria. Ngày 7/11, phát biểu khi tới thăm Jordani, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết tìm giải pháp giải quyết vấn đề Syria là một trong những ưu tiên cao của Mỹ và Anh sau khi Tổng thống Obama tái cử nhiệm kỳ hai.

Thực thi lộ trình rút quân ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014 nhưng không để quốc gia Tây Nam Á này rơi vào tình trạng sụp đổ về an ninh, qua đó lực lượng Taliban quay lại nắm quyền cũng là một vấn đề đau đầu đối với ông chủ Nhà Trắng.

Ngoài ra, việc chuyển hướng chiến lược sang châu Á trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm cũng không phải là dễ dàng đối với chính quyền Obama nhiệm kỳ hai.


TTXVN/Tin tức
'Obama là người có khả năng nhất đối phó với thách thức'
'Obama là người có khả năng nhất đối phó với thách thức'

Ngay sau khi Tổng thống Barack Obama, tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, M. Laurent Fabius, ngày 7/11, đã trả lời phỏng vấn kênh truyển hình Pháp France 2, nêu rõ những trông chờ của Pháp đối với chính quyền của vị Tổng thống tái đắc cử này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN