Tên lửa Nga bay qua không phận: Tổng thống Ba Lan họp khẩn với quân đội; NATO và Mỹ đồng loạt lên tiếng

Sau khi một tên lửa của Nga bay qua không phận, không chỉ Tổng thống Ba Lan lập tức họp khẩn với giới chức quân đội nước này, mà các đồng minh của Ba Lan, bao gồm Mỹ và NATO cũng đã lên tiếng bày tỏ sự đoàn kết với Warsaw.

Chú thích ảnh
Nga phóng tên lửa Kh-22. Ảnh minh hoạ: AP

Hãng tin AFP của Pháp ngày 29/12 dẫn lời Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ba Lan, Tướng Wieslaw Kukula cho biết một tên lửa của Nga đã bay qua không phận Ba Lan và sau đó quay trở lại Ukraine.

Đài DW của Đức cho biết thêm tên lửa này bay khoảng 40 km trong lãnh thổ của Ba Lan vào sáng sớm ngày 29/12 và trong không phận Ba Lan khoảng 3 phút.

Vụ việc này xảy ra trong bối cảnh quân đội Nga vừa thực hiện một trong những đòn tấn công bằng tên lửa lớn nhất nhằm vào miền Tây Ukraine, trong đó có thành phố Lviv.

Ngay sau đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã điện đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Władysław Kosiniak-Kamysz và triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo quân sự nước này.

Cuộc họp được tổ chức tại Cục An ninh Quốc gia với sự tham gia của Bộ trưởng Kosiniak-Kamysz, Tổng tham mưu trưởng Wiesław Kukula và chỉ huy tác chiến Các Lực lượng Vũ trang Ba Lan Maciej Klisz.

Tối cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Vladislav Teofil Bartoshevsky đã triệu Đại biện lâm thời Liên bang Nga Andrei Ordash và trao cho công hàm, yêu cầu giải thích vụ việc tên lửa hành trình xâm phạm không phận Ba Lan và chấm dứt ngay những hành động tương tự.

Chú thích ảnh
Thông báo của Bộ Ngoại giao Ba Lan về việc triệu Đại biện lâm thời Liên bang Nga Andrei Ordash để yêu cầu giải thích về vụ tên lửa Nga bay qua không phận Ba Lan sáng 29/12/2023. Ảnh: X

Trước diễn biến mới tại Ba Lan, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo dõi chặt chẽ các thông tin về một quả tên lửa xâm nhập không phận Ba Lan.

Theo Nhà trắng, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã điện đàm với Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Siewiera và hai quan chức đã thảo luận về vụ việc.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm, ông Sullivan đã bày tỏ tình đoàn kết của Mỹ đối với Ba Lan, đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thân cận của Mỹ và cam kết hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.

Về phía NATO, theo hãng tin Reuters, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này đang theo dõi tình hình ở Ba Lan.

Trong một phát biểu đưa trên mạng xã hội X (Twitter trước đây), ông Stoltenberg chia sẻ: "Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda về sự cố tên lửa ở Ba Lan. NATO đoàn kết với đồng minh quý giá của chúng tôi, đang theo dõi tình hình và chúng tôi sẽ giữ liên lạc khi sự thật được xác minh. NATO vẫn cảnh giác".

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo tại Hội nghị Ngoại trưởng Hội đồng Bắc Đại Tây Dương tại Brussels, Bỉ ngày 5/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yuriy Ignat ngày 29/12 cho biết Nga đã bắn hơn 300 tên lửa Kh-22 trong chiến dịch quân sự đặc biệt và Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) đã không bắn hạ được tên lửa nào trong số đó.

Theo ông Ignat, tên lửa Kh-22 đạt tốc độ hơn 4.000 km/giờ và được bắn tới mục tiêu theo quỹ đạo đạn đạo, khiến việc đánh chặn chúng cực kỳ khó khăn. Để đánh chặn hiệu quả những tên lửa như vậy, cần có các hệ thống tên lửa phòng không của phương Tây như Patriot hoặc SAMP/T.

Ông Ignat cũng đề cập đến sự tồn tại của phiên bản nâng cấp của tên lửa Kh-22 - tên lửa Kh-32 mà ông tin rằng cũng có thể đã được sử dụng trong các cuộc tấn công gần đây.

Trước đó, ông Ignat cũng cho biết các hệ thống phòng không nước này không có khả năng bắn hạ không chỉ tên lửa Kh-22 mà cả các loại tên lửa khác như Kinzhan, tên lửa đạn đạo thuộc tổ hợp Iskander-M, cũng như tên lửa dẫn đường của hệ thống tên lửa phòng không S -300, bất chấp sự hiện diện của các hệ thống phòng không phương Tây trong kho vũ khí của Ukraine.

Thành Nam/Báo Tin tức (theo AFP, Reuters và DW)
Nga không kích lớn chưa từng có vào Ukraine; Kiev thừa nhận không thể đánh chặn tên lửa Kh-22
Nga không kích lớn chưa từng có vào Ukraine; Kiev thừa nhận không thể đánh chặn tên lửa Kh-22

Trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Nga ngày 29/12 đã tiến hành đợt không kích lớn nhất vào nước này, Không quân Ukraine thừa nhận họ không bắn hạ được bất cứ tên lửa Kh-22 nào mà Nga sử dụng để tấn công Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN