Tân Tổng thống Trump ký sắc lệnh chính thức rút Mỹ khỏi TPP

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 (giờ Mỹ) đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày làm việc chính thức đầu tiên tại Phòng Bầu dục, tân Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh nói trên, qua đó hiện thực hóa cam kết được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 là Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này ngay khi ông tiếp quản Nhà Trắng.

Tổng thống Trump cho rằng TPP, hiệp định có sự tham gia của Mỹ và 11 đối tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, gây phương hại cho khu vực sản xuất của Mỹ và lấy mất công ăn việc làm của người dân nước này. 

Ngay sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Donald Trump hôm 20/1, Chính phủ mới của Mỹ thông báo nước này sẽ rút khỏi TPP. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên TPP đã khẳng định tiếp tục đưa hiệp định này đến đích cuối cùng. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mới đây ở thủ đô Lima của Peru, các nước cũng đã thảo luận về việc thúc đẩy một TPP không có sự tham gia của Mỹ.

Là hiệp định thương mại lớn nhất trong 20 năm, TPP theo kế hoạch ban đầu sẽ có sự tham gia của Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai ủng hộ TPP để đưa hàng hóa Mỹ thâm nhập các thị trường châu Á và tạo ra khối thương mại đối trọng với Trung Quốc.

Trong khi đó, phản đối TPP là một trong những cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump. Cá nhân ông gọi hiệp định thương mại này là một “thảm họa tiềm ẩn” với nước Mỹ. Thay vì TPP, ông Trump thích phương án thực hiện các thỏa thuận song phương với từng thành viên của hiệp định này.

Quyết định hành pháp ngày 23/1 của ông Trump gửi đi tín hiệu cho thấy chính quyền mới của Mỹ quyết tâm thực hiện các ưu tiên của chính quyền mới một cách nhanh chóng.

Với việc không có sự tham gia của Mỹ, hiệp định TPP sẽ phải được đàm phán lại hoặc bỏ đi. TPP được ký kết tại Auckland, New Zealand tháng 2/2016 sau hơn 5 năm đàm phán. Các nước tham gia ký kết TPP có 2 năm để tiến hành các thủ tục phê chuẩn hiệp định này theo luật pháp từng nước. 

Khi có hiệu lực, TPP sẽ giúp xóa bỏ hàng nghìn rào cản thuế quan và đảm bảo tốt hơn các quyền của người lao động tại các quốc gia tham gia. Theo các nhà kinh tế, TPP có thể bổ sung tổng sản phẩm quốc nội của thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. 

Ngoài TPP, ông Trump cũng nhắm đếp Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vốn loại bỏ các hàng rào thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico đạt được dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton.


Nếu được thượng viện Mỹ thông qua với vai trò Bộ trưởng Thương mại, ông Wilbur Ross sẽ nhận trọng trách thương thảo lại các gói thỏa thuận thương mại cùng đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và người đứng đầu hội đồng thương mại Nhà Trắng Peter Navarro.

“Chúng tôi sẽ thương thảo lại về vấn đề NAFTA, nhập cư và an ninh ở biên giới”, ông Trump ngày 22/1 sau lễ nhậm chức cho các nhân viên cấp cao của Nhà Trắng cho biết thông tin trên.

Ông Trump ngày 23/1 cũng đưa ra cam kết giảm thuế và quy định về việc kinh doanh trong nước. Chính quyền Trump cũng sẽ hủy hỏ tự do thương mại để ủng hộ việc kinh doanh công bằng. “Các quy định sẽ được cắt giảm mạnh, và thuế cũng sẽ giảm cùng với chúng”, ông Trump cho hay, đồng thời cảnh báo những người di dời các nhà máy sẽ đối mặt với “mức thuế biên giới lớn”.

Ông Trump cũng ký thêm hai lệnh hành pháp khác trong ngày 23/1, theo đó đóng băng tất cả việc tuyển dụng của chính phủ liên bang ngoại trừ quân đội Mỹ, và cấm việc cấp vốn liên bang cho các tổ chức của Mỹ ủng hộ việc nạo phá thai ở nước ngoài.

Anh Minh
Chính quyền Trump nói rút khỏi TPP, Australia tuyên bố kiên quyết theo đuổi TPP
Chính quyền Trump nói rút khỏi TPP, Australia tuyên bố kiên quyết theo đuổi TPP

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thỏa thuận có quy mô và tham vọng chưa từng có tiền lệ mà Chính phủ Australia sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN