Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ tuyên bố sẽ ủng hộ viện trợ cho Ukraine 'có điều kiện'

Chủ tịch Hạ viện mới được bầu của Mỹ Mike Johnson có thể là tin xấu với Ukraine khi ông "có thành tích" phản đối viện trợ cho Kiev.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện mới đắc cử của Mỹ Mike Johnson tuyên thệ nhậm chức ở Washington, DC, vào ngày 25/10/2023. Ảnh: AFP

Theo kênh NBC News (Mỹ), tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson mới đây cho biết ông sẽ đồng ý ủng hộ Ukraine, nhưng "với một số điều kiện nhất định".

Khi trả lời câu hỏi về việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, ông Johnson nêu rõ: "Chúng tôi sẽ có những điều kiện về vấn đề đó nên chúng tôi đang thảo luận. Chúng tôi muốn trách nhiệm giải trình và chúng tôi muốn Nhà Trắng có những mục tiêu rõ ràng". 

Hôm 25/ 10, Hạ viện Mỹ đã bầu ra chủ tịch mới, Mike Johnson, sau nhiều tuần bế tắc. Ông là đại diện của đa số đảng Cộng hòa và là người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.

Hạ viện Mỹ không thể thông qua luật mới, bao gồm cả đề xuất viện trợ cho Ukraine, nếu không có Chủ tịch. Đó là lý do tại sao Chủ tịch Hạ viện cũng rất quan trọng đối với Kiev. Ngoài ra, ngân sách liên bang tạm thời của Mỹ sẽ chỉ kéo dài đến giữa tháng 11 này, do đó, để tránh việc chính phủ phải đóng cửa, Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng giải quyết vấn đề này.

Theo tờ Kyiv Post (Ukraine), việc ông Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ cho phép Quốc hội nước này quay trở lại công việc lập pháp nhưng lại là một tin rất đáng lo ngại đối với Ukraine và cuộc phản công của nước này trước các lực lượng Nga. Ông Johnson được cho là theo đường lối cứng rắn và đã bỏ phiếu "Không" đối với 5 trong số 6 gói đề xuất để hỗ trợ cho Ukraine. 

Vẫn còn phải xem quan điểm tiêu cực của ông Johnson về viện trợ cho Ukraine sẽ diễn ra như thế nào tại Hạ viện Mỹ. Nghị sĩ Pete Sessions của bang Texas nói với ABC News rằng ông Johnson có thể sẽ thúc đẩy việc tách đề xuất viện trợ cho Israel, Ukraine và vấn đề an ninh biên giới Mỹ - Mexico một cách riêng biệt, thay vì gắn kết chúng lại với nhau theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuần trước, Tổng thống Biden cho biết sẽ đề nghị Quốc hội cấp 100 tỷ USD cho Ukraine, Israel, Đài Loan và tài trợ để đảm bảo an ninh biên giới. Trong số này, khoảng 60 tỷ USD dự kiến sẽ được viện trợ cho Ukraine.

Trong bài phát biểu nhậm chức của Johnson hôm 25/10 có đề cập đến việc thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu ủng hộ “đồng minh lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông”, nhưng khẳng định rằng trong một thế giới đang hỗn loạn, "một nước Mỹ mạnh mẽ sẽ tốt cho toàn thế giới”, ám chỉ đến việc chuyển hướng viện trợ nước ngoài sang chi tiêu trong nước.

Công Thuận/Báo Tin tức
Tại sao một số nước phương Tây từ chối ký thỏa thuận sản xuất vũ khí với Ukraine?
Tại sao một số nước phương Tây từ chối ký thỏa thuận sản xuất vũ khí với Ukraine?

Một số nước phương Tây từ chối hợp tác sản xuất vũ khí tại Ukraine vì rủi ro đối với công dân của họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN