Tại sao Tổng thống Trump chưa dùng quyền phủ quyết

Đã gần 140 năm kể từ khi một tổng thống Mỹ không phủ quyết điều gì trong thời gian ở Nhà Trắng. Nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục được lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell ủng hộ, ông có thể là tổng thống tiếp theo không phải dùng quyền phủ quyết.

Trong nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên, Tổng thống Mỹ thứ 43 George W. Bush đã không dùng quyền phủ quyết, nhưng đã sử dụng nhiều lần trong nhiệm kỳ thứ hai, đặc biệt là khi phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện và Thượng viện năm 2007.

Thời đó, Tổng thống Bush cũng không bao giờ khuất phục Quốc hội và gây ra tình trạng đóng cửa một phần dài nhất lịch sử Mỹ như Tổng thống Trump hiện nay.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump chưa từng phải dùng quyền phủ quyết. Ảnh: AFP

Hiện nay, Các thượng nghị sĩ Cộng hòa có ý định cấp tiền cho chính phủ hoạt động trở lại bất chấp yêu cầu ngân sách xây tường biên giới của Tổng thống Trump. Liệu Quốc hội có thể mở lại chính phủ mà không cần ý kiến của Tổng thống?

Làm thế nào để dự luật giúp mở cửa chính phủ đến bàn Tổng thống?

Theo CNN, cần lưu ý rằng ông McConnell từng cho biết ông sẽ không cho bỏ phiếu bất kỳ nghị quyết nào mà Tổng thống Trump không ủng hộ. Do đó, một khi ông McConnell còn kiểm soát Thượng viện và chừng nào các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện còn ủng hộ Tổng thống Trump thì Tổng thống sẽ không phải phủ quyết điều gì cả.

Chú thích ảnh
Ông Mitch McConnell. Ảnh: New York Times

Chính phủ được cấp ngân sách hoạt động bằng các dự luật phân bổ ngân sách do cả Hạ viện và Thượng viện thông qua rồi trình Tổng thống.

Để một dự luật chi tiêu tới được bàn của Tổng thống Trump, Hạ viện (hiện do phe Dân chủ kiểm soát dưới sự lãnh đạo của bà Nancy Pelosi) sẽ phải thông qua một dự luật và dự luật này sau đó được ít nhất 13 Thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ.

Để vượt qua được sự cản trở của nhóm nghị sĩ ủng hộ Tổng thống Trump tại Thượng viện, dự luật sẽ cần được thông qua với 3/5 số phiếu thuận, tức là 60 thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ trên tổng số 100 thượng nghị sĩ.

Với tỷ lệ ghế tại Thượng viện Mỹ hiện nay, con đường thông qua dự luật chuẩn chi ngân sách để mở cửa chính phủ trở lại khá xa vời. Bởi vì, phe Cộng hòa hiện nắm 53 ghế Thượng viện, Dân chủ giữ 47 (đã tính cả 2 nghị sĩ độc lập ủng hộ phe Dân chủ). Chỉ có 3 nghị sĩ Cộng hòa cho biết họ sẽ ủng hộ cách phân bổ ngân sách mà Tổng thống phản đối (một dự luật không có điều khoản cấp tiền xây bức tường biên giới). 

Lựa chọn của Tổng thống Trump 

Tổng thống Trump có thể ký thành luật dự luật mà Thượng viện và Hạ viện đã thông qua. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump chưa từng phải phủ quyết một dự luật. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng có thể phớt lờ dự luật. Sau 10 ngày, dự luật sẽ tự động trở thành luật mà không có chữ ký của ông Trump hoặc ông có thể phủ quyết, gửi trả Hạ viện và Thượng viện.

Một kịch bản nữa là dùng quyền phủ quyết bỏ túi (pocket veto). Kịch bản này xảy ra nếu Tổng thống không ký dự luật mà cả hai viện quốc hội đã thông qua và cả Thượng viện và Hạ viện đều nghỉ họp, không thể xem xét việc phủ quyết của Tổng thống. Trong trường hợp đó, dự luật sẽ bị phủ quyết.

Tuy nhiên, đó chưa phải là kết thúc. Quyền phủ quyết có thể không có tác dụng nếu bị 2/3 nghị sĩ ở cả hai viện bác bỏ. Tại Hạ viện, phe Dân chủ có 235 ghế và Cộng hòa có 199 ghế và có một ghế trống.

Điều đó có nghĩa là phe Dân chủ sẽ phải có 55 phiếu nữa tại Hạ viện để đủ 290 phiếu (chiếm 2/3 số phiếu nếu tất cả mọi người đều bỏ phiếu). Tại Thượng viện, họ sẽ cần 20 phiếu của phe Cộng hòa.

Phủ quyết bỏ túi không thể bị bác nhưng dự luật sẽ phải được xem xét lại khi Quốc hội họp trở lại.

Nếu Tổng thống Trump phủ quyết dự luật chi tiêu thì sao?

Phủ quyết diễn ra nhiều hơn chúng ta nghĩ. Mọi tổng thống từ thời ông James Garfield đều phủ quyết ít nhất một dự luật. Ông George W. Bush là tổng thống đầu tiên từ thời ông John Quincy Adams trải qua 4 năm nhiệm kỳ mà không dùng quyền phủ quyết. Tổng thống Barack Obama cũng hầu như không sử dụng quyền này.

Chú thích ảnh
Ông Bush không phải dùng tới quyền phủ quyết trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ảnh: Getty

Tổng thống phủ quyết nhiều lần nhất là Franklin D. Roosevelt với 635 lần, mặc dù ông phục vụ trong Nhà Trắng lâu nhất. Tất cả những lần phủ quyết này diễn ra dù phe Dân chủ của ông Roosevelt nắm thế đa số trong suốt thời gian ông làm tổng thống.

Trong thực tế, lịch sử Mỹ có không ít lần tổng thống phủ quyết dự luật từ Hạ viện và Thượng viện do đảng mình kiểm soát. 

Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi trong lịch sử hiện đại. Nếu nhìn lại các lần phủ quyết từ năm 1972 - khi Tổng thống Richard Nixon đối mặt với Quốc hội do phe Dân chủ kiếm soát, phần lớn các lần phủ quyết đều diễn ra khi ít nhất một viện quốc hội không ủng hộ Tổng thống. 

Ông Bush không phải dùng tới quyền phủ quyết vì Thượng viện luôn bảo vệ ông để ông không phải phủ quyết những dự luật mà ông phản đối.

Những lần lật lại quyền phủ quyết còn hiếm hơn những lần phủ quyết. Chỉ có 111 lần trong lịch sử Mỹ.

Đạo luật Tự do Thông tin và Đạo luật Nước sạch đều được thông qua cho dù bị tổng thống phủ quyết.

Lần cuối cùng một dự luật phân bổ ngân sách được lật lại sau khi bị phủ quyết là thời Tổng thống Ronald Reagan.

Tổng thống George W. Bush phủ quyết 12 dự luật, tất cả đều diễn ra trong nhiệm kỳ thứ hai và bị Quốc hội lật lại 1/4 số lần.

Tổng thống Trump sẽ không gặp vấn đề đó miễn là ông McConnell còn ủng hộ ông tại Thượng viện.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Vì sao phe Dân chủ 'ngó lơ' nhượng bộ của Tổng thống Trump để mở cửa lại chính phủ
Vì sao phe Dân chủ 'ngó lơ' nhượng bộ của Tổng thống Trump để mở cửa lại chính phủ

Tổng thống Donald Trump đã đơn phương đưa ra một đề xuất thỏa hiệp với đảng Dân chủ nhằm chấm dứt đóng cửa chính phủ. Nhưng bế tắc của ông với phe Dân chủ tại Quốc hội không có vẻ sẽ sớm đi đến một thỏa thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN