Tài liệu mật của Mỹ tiết lộ Nga có vũ khí bí mật để làm nhiễu internet ở Ukraine

Tài liệu mật vừa bị rò rỉ của Mỹ cho thấy Nga có một loại vũ khí bí mật để làm gián đoạn mạng internet do vệ tinh Starlink cung cấp ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Một bác sĩ quân y Ukraine sử dụng kết nối internet Starlink để truyền thông tin từ vùng Donbass hồi tháng 2. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Washington Post ngày 18/4, tài liệu mật cho thấy trong nhiều tháng, Nga đã thử nghiệm các hệ thống chiến tranh điện tử Tobol nhằm phá vỡ đường truyền của Starlink ở Ukraine.

Mùa xuân năm 2022, tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu công ty SpaceX chuyên cung cấp internet qua Starlink cho Ukraine, đã nhắc về những động thái của Nga nhằm vào Starlink. Ông Musk cho biết mặc dù Starlink đã thể hiện khả năng phục hồi trước những nỗ lực gây nhiễu và xâm nhập như vậy, nhưng phía Nga dường như đang tăng cường nỗ lực này.

Ông Kostiantyn Zhura, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết các quan chức nước này biết về những nỗ lực trên của Nga và thực hiện các biện pháp để vô hiệu hóa.

Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã không trả lời yêu cầu bình luận về thông tin của tờ Washington Post.

Starlink đã chứng tỏ tầm quan trọng đối với quân đội Ukraine khi giúp họ liên lạc trên chiến trường và chuyển thông tin tình báo. Các lực lượng Nga đã thành công trong vô hiệu hóa khả năng sử dụng các thiết bị liên lạc khác của Ukraine, như radio và điện thoại di động, nhưng tín hiệu vệ tinh khó bị phá hơn.

Không rõ liệu sự cố Starlink ngừng hoạt động ở Ukraine một thời gian có phải là do Tobol hay là do các phương tiện gây nhiễu khác mà Nga triển khai, ví dụ như hệ thống Tirada-2 gắn trên xe tải. Chi biết quân đội Ukraine đã bị gián đoạn internet Starlink vào tháng 10/2022, khi họ tiến về các vị trí của Nga trong các cuộc phản công ở phía Nam và phía Đông.

Các nhà phân tích đã xác định được ít nhất 7 tổ hợp Tobol ở Nga, tất cả đều nằm cạnh các cơ sở dùng để theo dõi vệ tinh. Các nhà phân tích cho biết một số địa điểm là trụ sở của những thiết bị chuyên làm nhiệm vụ gây nhiễu di động.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine đứng cạnh ăng-ten Starlink ở Bakhmut vào ngày 9/2. Ảnh: Getty Images

Theo tổ chức Secure World Foundation, can thiệp vệ tinh có thể xảy ra ở hai nơi: trong không gian, bằng cách nhằm trực tiếp vào các vệ tinh; và trên mặt đất, nơi vũ khí có thể nhằm vào thiết bị thu. Can thiệp xảy ra trong không gian (gây nhiễu đường lên) sẽ trộn tín hiệu với chương trình phát ban đầu, làm biến dạng thông tin mà tất cả người dùng của vệ tinh đó nhận được. Theo ông Bart Hendrickx, một nhà nghiên cứu đã theo sát chương trình này, Tobol gần như chắc chắn hoạt động theo cách này.

Một phương pháp khác diễn ra trên mặt đất, được gọi là gây nhiễu đường xuống. Phương pháp này truyền tín hiệu có cùng tần số với vệ tinh, ngăn các thiết bị được kết nối nhận tín hiệu hợp pháp. Phương pháp đó có phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn.

Năm 2022, tỷ phú Musk cho biết một bản vá phần mềm đã giúp khắc phục tình trạng thiết bị Starlink bị can thiệp.

Tài liệu bị rò rỉ của Mỹ mô tả “Thử nghiệm hoạt động quân sự đang diễn ra của Nga nhằm vào hệ thống liên lạc vệ tinh Starlink trên Ukraine bằng Tobol-1 của Nga”, xác định ba địa điểm ở Nga - nơi tiến hành các cuộc thử nghiệm.

Theo đánh giá của tình báo Mỹ, cuộc thử nghiệm Tobol của Nga được triển khai vào cuối tháng 9/2022 và dự kiến kéo dài 25 ngày. Tuy nhiên, đã hơn 5 tháng trôi qua kể từ khi bắt đầu các cuộc thử nghiệm và khi tài liệu bị rò rỉ nói trên được chuẩn bị cho các quan chức cấp cao Mỹ. Hiện không rõ lý do tại sao cuộc thử nghiệm lại kéo dài như vậy và liệu Nga có gặp phải vấn đề nào hay liệu hoạt động này có đạt được hiệu quả như mong đợi hay không.

Mặc dù vị trí của các tổ hợp Tobol trên khắp nước Nga có thể cho thấy rằng hệ thống này đang được sử dụng cho mục đích phòng thủ, nhưng ba địa điểm được tiết lộ trong đánh giá tình báo của Mỹ, gồm một bên ngoài Moskva, một địa điểm gần Crimea và một địa điểm khác ở Kaliningrad, là những địa điểm gần Ukraine nhất, khiến các hệ thống này phù hợp để dùng cho hoạt động tấn công.

Ông Brian Weeden, Giám đốc lập kế hoạch chương trình tại Secure World Foundation, cho biết phạm vi của hệ thống Tobol dường như bao trùm toàn bộ Ukraine. Ông Weeden nói: “Các tài liệu công khai cho thấy đó là một hệ thống phòng thủ, trong đó Tobol sẽ được sử dụng để phát hiện ai đó khác đang cố gắng gây nhiễu hoặc can thiệp vào các vệ tinh của Nga. Tobol sẽ phân tích các tín hiệu gây nhiễu đó, sau đó phát đi một tín hiệu đối phó để cố gắng loại bỏ hành vi can thiệp. Nhưng nếu có thể làm điều đó thì cũng có thể sử dụng những khả năng tương tự đó để can thiệp theo kiểu tấn công vào vệ tinh của người khác”.

Không có nhiều thông tin công khai về chương trình Tobol, được gọi trong các tài liệu của Nga là 14Ts227, và khả năng của Tobol vẫn là một bí ẩn trong nhiều năm. Các nhà nghiên cứu cho biết chương trình này dường như đã bắt đầu từ khoảng một thập kỷ trước.

Phía Nga chưa bình luận gì về thông tin liên quan Tobol.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Chuyên gia Nga: MiG-29 của Ba Lan và Slovakia không lật ngược tình thế ở Ukraine
Chuyên gia Nga: MiG-29 của Ba Lan và Slovakia không lật ngược tình thế ở Ukraine

Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng những máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan và Slovakia cung cấp cho Kiev khó có thể làm đảo lộn cân bằng chiến trường ở Ukraine vì một số lý do sau:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN