Tác động từ lệnh trừng phạt Nga, ngân hàng BRICS đưa ra chủ trương mới

Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) thành lập đang chủ trương huy động vốn và cho vay bằng đồng nội tệ trong bối cảnh gặp khó khăn do tác động của của lệnh trừng phạt nhắm vào cổ đông sáng lập là Nga.

Chú thích ảnh
Logo của ngân hàng NDB tại trụ sở ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters 

Đây là thông tin Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana xác nhận với hãng thông tấn Reuters (Anh). Nam Phi sẽ đón tiếp lãnh đạo của các quốc gia BRICS khác là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg vào cuối tháng này.

Ông Godongwana cho biết việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ giữa các thành viên của NDB cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự, với mục đích giảm thiểu rủi ro do tác động của biến động ngoại hối thay vì phi đô la hóa.

Đồng bạc xanh đã tăng giá so với các loại tiền tệ của thị trường mới nổi kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất để chống lạm phát vào đầu năm 2022, khiến nợ USD trở nên tốn kém hơn.

“Hầu hết các quốc gia là thành viên của NDB đã khuyến khích cung cấp khoản vay bằng nội tệ. Nó không nhiều như các nước thành viên yêu cầu, nhưng là định hướng chiến lược mà chúng tôi đang thúc đẩy ngân hàng”, Bộ trưởng Godongwana cho biết.

Được thành lập vào năm 2015 với tư cách là dự án tài chính hàng đầu của BRICS, tham vọng của NDB phục vụ các nền kinh tế mới nổi và tài chính phi đô la hóa đã bị hạn chế bởi thực tế kinh tế và xung đột Nga-Ukraine.

Các nhà phân tích đánh giá rằng việc tăng huy động vốn bằng nội tệ và huy động vốn từ các thành viên mới có thể giúp NDB vượt qua thời kỳ khó khăn, cắt giảm phụ thuộc vào thị trường vốn của Mỹ, nơi các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga làm tăng chi phí đi vay.

Giám đốc tài chính NDB Leslie Maasdorp nói với Reuters rằng ngân hàng đặt mục tiêu tăng cho vay bằng đồng nội tệ từ khoảng 22% lên 30% vào năm 2026, nhưng có những giới hạn đối với việc phi đô la hóa. Ông lý giải: "USD là đồng tiền hoạt động của ngân hàng bởi một lý do rất cụ thể, USD có nguồn thanh khoản lớn nhất".

Năm 2022, ngân hàng NDB chỉ giải ngân khoản vay khoảng 1 tỷ USD. Cho đến nay, Trung Quốc là thị trường nội tệ thành công nhất của NDB. Nước này đã phát hành 13 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ USD) cho ba "trái phiếu gấu trúc" vào năm 2022 và hơn một nửa số tiền cho vay của nước này là bằng đồng nhân dân tệ.

NDB được thành lập với 10 tỷ USD vốn góp từ mỗi quốc gia BRICS. Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập đã tham gia từ năm 2021, nâng số thành viên của NDB lên tám nước. Uruguay đang trong quá trình gia nhập, trong khi Algeria, Honduras, Zimbabwe và Saudi Arabia đã bày tỏ quan tâm.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Thách thức lựa chọn thành viên mới trong nỗ lực mở rộng của BRICS
Thách thức lựa chọn thành viên mới trong nỗ lực mở rộng của BRICS

Một số quốc gia đang tìm cách gia nhập nhóm BRICS với mong muốn thách thức quyền bá chủ của phương Tây. Trong khi đó, nhóm 5 quốc gia gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cũng đang tìm cách phát triển quan hệ đối tác toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN