Syria bác đề xuất ngừng bắn

Bộ Ngoại giao Syria đã lên tiếng phản đối lời kêu gọi ngừng bắn đơn phương của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, cho rằng kêu gọi này "không đầy đủ và chỉ chứa đựng một nửa sự thật".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi ngày 10/10 cho biết Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã đề nghị Chính phủ Syria “ngay lập tức tuyên bố đơn phương ngừng bắn”. Tuy nhiên, ông Makdissi đã thông báo với ông Ban Ki Mun rằng Damascus (Đamát) từng hai lần thực hiện ngừng bắn, nhưng trong cả hai lần này, các nhóm vũ trang nổi dậy đều lợi dụng cam kết của chính phủ và củng cố sự hiện diện của họ ở một số khu vực.

Kể từ đó, tổn thất nhân mạng đối với quân đội và dân thường Syria tăng lên gấp đôi do các nhóm nổi dậy tiến hành chiến dịch khủng bố, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Chính vì vậy, mặc dù nhất trí với Tổng Thư ký Ban Ki-moon về việc thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp tạo môi trường thích hợp cho đối thoại chính trị, nhưng Damascus khẳng định lực lượng chống đối đang giao chiến với quân chính phủ mới cần phải chấm dứt bạo lực trước.

Damascus cũng đề nghị Tổng Thư ký LHQ cử đại diện tới các quốc gia liên quan, nhất là Saudi Arabia (Arập Xêút), Qatar (Cata) và Thổ Nhĩ Kỳ mà Syria cho là đang hỗ trợ lực lượng chống đối, để thuyết phục những quốc gia này tác động tới các nhóm vũ trang ở Syria kiềm chế bạo lực.

Trong khi đó, đặc phái chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) Lakhdar Brahimi ngày 10/10 đã tới Saudi Arabia, thảo luận với các quan chức nước này về cuộc khủng hoảng Syria. Đây là chặng dừng chân đầu tiên của ông Brahimi trong chuyến thăm khu vực lần thứ hai kể từ khi đảm nhiệm cương vị này thay ông Kofi Annan. Ông Brahimi cũng sẽ sớm thăm Syria trong nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa Damascus và các nhóm vũ trang chống đối.

Bạo lực vẫn tiếp diễn

Tại Syria, bạo lực vẫn tiếp diễn với những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe đối lập. Hãng tin Pháp AFP dẫn một nguồn tin của quân chống đối nói rằng quân chính phủ đã điều động xe tăng và triển khai binh sĩ dọc đường cao tốc tới thị trấn Maaret al-Numan nhằm giành lại quyền kiểm soát địa bàn này. Đây là thị trấn chiến lược nằm trên tuyến đường cao tốc nối Damascus - Aleppo.



Bạo lực vẫn tiếp diễn tại Syria. Trong ảnh (do hãng thông tấn SANA cung cấp): Cảnh đổ nát tại quận Bab Hood, thành phố miền trung Homs ngày 9/10. Nguồn: AFP/ TTXVN



Một ngày trước đó, quân chống đối đã chiếm được Maaret al-Numan sau 48 giờ giao tranh dữ dội, và tiếp tục dùng súng bắn rốckét cũng như đặt chất nổ nhằm ngăn cản quân đội Syria. Cuộc chiến xung quanh Maaret al-Numan được coi là mang ý nghĩa rất quan trọng vì trước đó quân chống đối đã chiếm được thị trấn Saraqeb và đụng độ với quân đội Syria ở Khan Sheikhun, phía Nam Maaret al-Numan. Nếu kiểm soát được cả ba địa điểm này, quân chống đối sẽ cô lập hoàn toàn quân đội Syria ở Aleppo.

Mặt trận ở tỉnh Homs miền Trung tiếp tục quyết liệt khi quân đội nỗ lực đến cuối tuần sẽ quét sạch quân chống đối ra khỏi khu vực này để dồn binh lực cho các mặt trận miền Bắc như Aleppo. Theo thống kê của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR- trụ sở tại Anh), trong ngày 10/10, tại Syria có ít nhất 50 người thiệt mạng, trong đó có 18 tay súng chống đối, 16 binh sĩ và 16 dân thường.

Căng thẳng Syria - Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng

Căng thẳng giữa Syria và nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ngừng gia tăng. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết ngày 10/10, nước này đã chặn và tịch thu “hàng hóa đáng ngờ” trên một máy bay chở khách Airbus A-320 của Syria, khi máy bay này đang trên đường từ Moscow (Nga) tới Damascus.

Chiếc máy bay đã bị hai máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ ép phải hạ cạnh xuống một sân bay ở thủ đô Ankara để kiểm tra an ninh. Theo Ngoại trưởng Davutoglu, Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã nhận được tin tình báo về có “hàng hóa phi dân sự" trên máy bay. Quan chức này không cho biết Ankara đã tịch thu hàng hóa gì nhưng Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức khác của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng đây có thể là "vật liệu quân sự". Theo kênh thời sự NTV, đó có thể là các bộ phân tên lửa, trong khi kênh TRT của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhiều khả năng đây là trang thiết bị viễn thông.


Ngày 10/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thông báo đã cử một nhóm sĩ quan, chủ yếu là các nhà lập kế hoạch quân sự, tới biên giới Jordan (Gioócđani) - Syria để trực tiếp theo dõi các diễn biến tại Syria trong bối cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này đã kéo dài sang tháng thứ 19 và căng thẳng ngày một gia tăng giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Panetta nói rằng đội ngũ 150 người này có nhiệm vụ giúp Jordan thiết lập một sở chỉ huy dọc biên giới với Syria, đồng thời giúp tăng cường khả năng quân sự cho Jordan phòng trường hợp bạo lực tại Syria vượt ra ngoài biên giới và lan sang nước láng giềng này. Nhóm sĩ quan cũng có nhiệm vụ cùng phía Jordan theo dõi, giám sát các kho vũ khí hóa học trong lãnh thổ Syria, hỗ trợ Jordan ứng phó với dòng người tị nạn từ Syria.

Mặc dù Lầu Năm Góc đã đưa ra những giải thích trên, song các chuyên gia phân tích vẫn cho rằng đây dường như là dấu hiệu về khả năng Mỹ có thể lần đầu tiên trực tiếp can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng Syria.


TTXVN/Tin tức
Căng thẳng Xyri - Thổ Nhĩ Kỳ dẫn tới chiến tranh?

Tình hình tại biên giới Xyri với Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục căng thẳng, khiến dư luận lo ngại hai quốc gia láng giềng này đang đứng bên miệng hố chiến tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN