Sửa đổi Hiệp ước Lixbon: Có tránh được khủng hoảng?

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong bối cảnh đám mây đen trên “bầu trời tài chính” khu vực đồng euro sẫm màu hơn, tình trạng không kiểm soát được nợ công càng làm gia tăng tâm trạng lo ngại trong giới đầu tư về nguy cơ bùng nổ khủng hoảng nợ công trong toàn khu vực. Đi tìm giải pháp cho khủng hoảng nợ công, dự thảo ngân sách năm 2011 và sửa đổi Hiệp ước Lixbon nhằm tránh một cuộc khủng hoảng mới đang là những vấn đề nhức nhối thách thức các nhà lãnh đạo EU.

Tránh lặp lại khủng hoảng

Diễn đàn cấp cao EU năm nay, trong hai ngày 16 và 17/12, diễn ra trong bối cảnh chính phủ các nước vẫn phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ đẩy châu lục vào giai đoạn suy thoái trầm trọng. Sự sụp đổ của hai nền kinh tế thành viên Hy Lạp và Ailen trong khu vực đồng euro, đã gây “sốc” cho cả châu Âu khi các chuyên gia kinh tế cảnh báo hiệu ứng đôminô có thể xảy ra và những “quân bài” được cho là sẽ theo “vết xe đổ” trên sẽ là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thậm chí cả Italia.

Cảnh sát xung đột với những người biểu tình trong một cuộc tuần hành phản đối chính sách kinh tế của chính phủ Hy Lạp.

Ai sẽ là “phao cứu sinh” để các nước có thể “bấu víu” trong những thời điểm khó khăn? Tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã thoả thuận trên nguyên tắc sửa đổi “có giới hạn” Hiệp ước Lixbon, được xem là Hiến pháp chung châu Âu, nhằm tăng cường việc quản lý kinh tế và tránh lặp lại khủng hoảng nợ trong khu vực. Theo đó, EU sẽ lập một quĩ cứu trợ lâu dài có thể nhanh chóng viện trợ cho các nước thành viên bị khủng hoảng tài chính. Quĩ này được gọi là cơ chế ứng phó khủng hoảng dài hạn để duy trì sự ổn định tài chính trong toàn khu vực. Hiện Quĩ cứu trợ khẩn cấp tạm thời trị giá 750 tỷ euro, phối hợp giữa EU với Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ra đời hồi tháng 5/2010 sau cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.

Về cơ chế trừng phạt, EU lần đầu tiên sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt mang tính phòng ngừa đối với những nước vi phạm các qui định về nợ nhà nước (không vượt quá 60% GDP) và thâm hụt ngân sách quốc gia (không được quá 3% GDP), bằng việc buộc những nước có dấu hiệu vi phạm phải nộp cho EU một khoản tiền gửi có lãi hoặc không có lãi. Điểm mới trong cơ chế trừng phạt là biện pháp cứng rắn này chỉ áp dụng với những nước không giảm mạnh được thâm hụt ngân sách trong khoảng thời gian 6 tháng điều chỉnh cho phép.

Cơ chế mới không cho phép áp dụng biện pháp trừng phạt một cách tự động, nhưng sẽ khiến cho chính phủ các nước EU khó phản đối quyết định trừng phạt hơn và có thể áp dụng biện pháp này ở giai đoạn sớm hơn trước đây. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cơ chế trừng phạt được sửa đổi này sẽ là chủ đề gây không ít tranh cãi tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới, thậm chí nó không dễ dàng gì để được thông qua lần cuối cùng trước khi có hiệu lực vào năm 2013. Đề xuất của Đức về đình chỉ quyền bỏ phiếu của những nước vi phạm vấp phải sự phản đối quyết liệt của các đại biểu, cho rằng ý tưởng này có thể dẫn đến việc thay đổi mạnh mẽ Hiệp ước Lixbon, điều mà Ủy ban châu Âu (EC) đã khẳng định là ”Không thể chấp nhận được”. Theo qui định, bất kỳ đề xuất “viết lại” Hiệp ước Lixbon đều phải được lãnh đạo EU chấp thuận và được các nước thành viên EU thông qua dưới hình thức bỏ phiếu tại quốc hội hoặc trưng cầu ý dân.

Vất vả lắm đại gia đình EU mới tìm ra được tiếng nói chung trong vấn đề cải cách thể chế. Sau 8 năm tranh cãi về Hiến pháp EU với ba cuộc trưng cầu ý dân thất bại, các nước EU tháng 11/2009 mới hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Lixbon. Vậy mà, mới chưa đầy một năm kể từ khi có hiệu lực, quãng thời gian quá ngắn để có thể thực hiện đầy đủ những qui định mới về hiến pháp EU, chính những nước phê chuẩn văn bản pháp lý này lại muốn sửa đổi nó. Việc cần thay đổi Hiệp ước Lixbon để tránh một cuộc khủng hoảng nợ mới có thể một lần nữa lại gây tranh cãi tại Hội nghị thượng đỉnh EU lần này.

Khủng hoảng nợ có thể biến thành khủng hoảng chính trị

Chiếm phần lớn thời gian trong năm 2010, cuộc khủng hoảng nợ công đã thực sự thử thách châu Âu. Kinh tế châuÂu đã đi quá sâu vào “vạch đỏ suy thoái”. Hệ thống ngân hàng một số nước thành viên sụp đổ hoặc vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, riêng nợ ngân sách của khu vực đồng euro đã chiếm tới 84% GDP của khối, nhiều qui định nghiêm ngặt chung về kinh tế, tài chính bị phá vỡ song sự đoàn kết của liên minh già cỗi này vẫn chưa được khẳng định. EU lại thất bại trong đàm phán về dự thảo ngân sách 2011 do bất đồng giữa Nghị viện châu Âu (EP) và một số nước thành viên về mức độ tăng ngân sách.

Cho dù EC ngày 26/11 đã thông qua một dự thảo ngân sách mới của EU với 126,5 tỷ euro (tăng 2,9% so với ngân sách 123 tỷ euro năm 2010) để trình tại Hội nghị sắp tới. Song, dự thảo ngân sách của EU đầu tiên được áp dụng theo Hiệp ước Lixbon không được kỳ vọng nhiều do các bên vẫn không nhượng bộ nhau. Nếu không được thông qua, ngân sách mới của EU buộc phải hoạt động theo mức 123 tỷ euro của năm 2010.

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã kéo dài một năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ được cải thiện. Trong khi các thể chế tài chính thế giới và châu Âu vẫn đang tìm phương án cứu trợ các nước sắp vỡ nợ, giới lãnh đạo châu Âu lại phải đối mặt với những rủi ro khủng hoảng chính trị còn nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng nợ.

Tỷ lệ ủng hộ dành cho các chính phủ Hy Lạp và Ailen tụt dốc thê thảm do tác động của việc tái cơ cấu nợ và chương trình “thắt lưng buộc bụng”. Nếu không đảm bảo “vừa tăng trưởng kinh tế, vừa không đụng chạm tới phúc lợi của người dân”, lãnh đạo các nước như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia và Hunggari sẽ phải đối mặt với rủi ro khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ là người bị chỉ trích nhiều nhất, vì bà là người cực lực phản đối việc mở rộng quy mô Quĩ ổn định tài chính châu Âu và phát hành trái phiếu nợ chung khu vực đồng euro.
 
Chiếc ghế của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet có thể cũng bị lung lay bởi số người muốn "hạ bệ" ông không ít. Bấy nhiêu thôi cũng thấy rằng châu Âu đang trải qua quãng thời gian khó khăn nhất kể từ khi đồng tiền chung euro ra đời.

Phương Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN