Sự cố hạt nhân tại Nhật Bản: Chạy đua với thời gian

Đối phó với nguy cơ rò rỉ phóng xạ ngày càng gia tăng tại các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, Nhật Bản đang phải chạy đua với thời gian để hạ nhiệt các lò phản ứng hạt nhân, cũng như khôi phục hoạt động của các hệ thống làm lạnh trước nguy cơ các thanh nhiên liệu có thể bị tan chảy.

Dội nước làm mát lò phản ứng số 3

Sáng 17/3, hai máy bay trực thăng CH-47 của lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã được huy động để dội nước xuống lò phản ứng số 3 thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm tránh cho các thanh nhiên liệu tan chảy. Một máy bay trực thăng khác được giao nhiệm vụ bay cùng để đo mức phóng xạ phía trên lò phản ứng. Những máy bay này đã hoàn tất 4 chuyến xả nước xuống lò phản ứng số 3 và người ta có thể thấy khói trắng bay lên từ dưới nhà máy. Tuy nhiên, điều này cũng khiến gia tăng lo ngại làn khói có thể mang theo chất phóng xạ từ hồ chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng hiện đang lộ dần ra do mực nước đang cạn đi.

Máy bay trực thăng lấy nước để xả xuống lò phản ứng số 3, nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ngày 17/3. ẢNH: AFP/ TTXVN


Theo số liệu mới nhất của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số người nạn nhân trong thảm họa động đất và sóng thần này tại Nhật Bản lên tới hơn 15.200 người, trong đó 5.692 người đã được xác định thiệt mạng và 9.522 người vẫn mất tích. Thảm họa này cũng đã hủy hoại hơn 80.400 ngôi nhà và các công trình khác, khiến 463.000 người phải đi sơ tán.

Sau khi chiến dịch dội nước từ trực thăng vào nhà máy Fukushima 1 kết thúc, Công ty điện lực Tôkyô (TEPCO) cho biết lượng phóng xạ đo được tại khu vực gần nhà máy vẫn không thay đổi nhiều, thậm chí TEPCO còn thông báo áp suất tại lò phản ứng số 3 đã tăng trở lại. Đến tối 17/3, lượng phóng xạ đo được quanh tòa nhà hành chính của nhà máy đã tăng lên 4.000 microsievert/giờ. Mức phóng xạ có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe là 1.000 microsievert/giờ trong 1 năm.

Khói trắng cũng xuất hiện từ hồ chứa của lò phản ứng số 4 nhưng TEPCO cho biết vẫn còn nước trong hồ. Hồ chứa của cả lò phản ứng số 3 và 4 đều nằm sát trần tòa nhà chứa lò. Hoạt động xả nước cũng đang được xem xét tiến hành đối với lò phản ứng số 4.

Trước đó đã có thông tin về sự rò rỉ phóng xạ tại lò phản ứng số 2 của nhà máy trên do lượng nước trong hồ chứa các thanh nhiên liệu qua sử dụng đã hoàn toàn bốc hơi vì hệ thống làm lạnh ngừng hoạt động. Việc này khiến các thanh nhiên liệu lộ ra ngoài, có thể tan chảy và phát tán phóng xạ hạt nhân vào không khí. TEPCO cho biết khoảng 33% số thanh nhiên liệu tại lò phản ứng này đã bị hư hại. Tuy nhiên, tình hình không quá lo ngại do hoạt động bơm nước biển vào lò vẫn diễn ra thuận lợi.

Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu SDF và cảnh sát nước này tiếp thêm nước vào hồ chứa. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa cho biết SDF sẽ mượn máy bơm của lực lượng quân đội Mỹ tại Nhật Bản và phối hợp với lực lượng cảnh sát để dùng vòi rồng phun nước nhằm tiếp tục làm mát các lò phản ứng. 12 xe cứu hỏa trang bị bơm áp suất cao đã được huy động để tưới nước lên các tòa nhà chứa lò phản ứng hạt nhân. Khoảng 30 tấn nước đã được phun vào lò phản ứng số 3. Tuy nhiên, đến tối 17/3, đội cơ động số 1 thuộc SDF đã quyết định ngừng sử dụng vòi rồng sau gần một giờ nỗ lực, do lượng phóng xạ tại hiện trường quá cao, gây nguy hiểm.

Số thanh nhiên liệu bị hư hại tại lò phản ứng số 1 đã lên tới khoảng 70% nhưng bể chứa lò vẫn nguyên vẹn và không bị ảnh hưởng từ vụ nổ trước đó. Dự kiến trong ngày hôm nay (18/3) Nhật Bản sẽ xây dựng xong đường dây dẫn điện đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 nhằm khôi phục hoạt động của các hệ thống làm lạnh. Đây là hệ thống cấp điện mới và độc lập so với hệ thống trước đây.

Lò phản ứng số 5 và 6 hiện trong tình trạng an toàn. Mặc dù nhiệt độ trong hồ chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tăng nhẹ lên 63 độ C (nhiệt độ bình thường là 40 độ C) nhưng nước biển vẫn liên tục được bơm thêm. Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano cho biết sẽ giám sát chặt chẽ lò phản ứng số 5 và số 6 để có các biện pháp đối phó thích ứng và kịp thời.

IAEA họp khẩn cấp về sự cố hạt nhân

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano ngày 17/3 cho biết một cuộc họp khẩn của IAEA đã được triệu tập tại thủ đô Viên (Áo) để thảo luận các biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản. Đây là cuộc họp khẩn cấp bất thường đầu tiên của Ban Giám đốc 35 thành viên IAEA trong 2 năm qua. Theo kế hoạch, ông Amano sẽ tới Nhật Bản trong ngày 18/3 để đánh giá tình hình và tìm hiểu thêm thông tin cần thiết.

Trước đó, đánh giá về nguy cơ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 tại Nhật Bản, ông Yukiya Amano cho rằng hiện tình trạng rò rỉ phóng xạ là đáng lo ngại. Đến nay, IAEA đã phái hai nhóm chuyên gia về an toàn hạt nhân và phòng chống phóng xạ đến hỗ trợ Nhật Bản xử lý các tình huống có thể xảy ra. Một nhóm chuyên gia về môi trường cũng sẽ được cử đến Nhật Bản để giám sát tình hình.

Kiểm tra nồng độ phóng xạ cho người dân ở Koriyama, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 60 km. Ảnh: AFP/TTXVN


Đề cập đến sự cố hạt nhân tại Nhật Bản, Ủy viên Năng lượng Liên minh châu Âu (EU), ông Guenther Oettinger cho rằng tình trạng rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima 1 hiện rất nguy hiểm, đe dọa gây ra một thảm họa hạt nhân có thể khiến nhiều người thiệt mạng. Tuy nhiên, ông Yukiya Amano đã bác bỏ đánh giá của ông Oettinger và nói rằng "chưa đến lúc nói rằng tình hình đã vượt khỏi tầm kiểm soát".

Trong khi đó, Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản cho biết, mức phóng xạ đo được tuy cao hơn bình thường nhưng vẫn chưa đến mức nguy hiểm. Mức phóng xạ tại cổng phía tây của nhà máy Fukushima 1 ngày 17/3 là 338 millisievert/giờ. Bên cạnh đó, kết cấu của các lò phản ứng hạt nhân khác kiên cố, đảm bảo an toàn nhất định trong trường hợp xảy ra sự cố. Bao quanh mỗi lò phản ứng là một bể chứa chính làm bằng thép có độ dày 10-20 cm, là phòng tuyến ngăn rò rỉ phóng xạ quan trọng nhất. Nếu lớp vỏ này bị nứt hoặc thủng, phòng tuyến thứ hai là một tòa nhà chứa làm bằng thép và bê tông dày sẽ đảm trách nhiệm vụ ngăn phóng xạ.

Mức phóng xạ chưa đáng ngại đối với khu vực

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/3 cho biết chưa có dấu hiệu ảnh hưởng của phóng xạ rò rỉ từ các nhà máy điện hạt nhân đang gặp sự cố sau trận động đất 9 độ Richter và những đợt sóng thần hôm 11/3 tại Nhật Bản, đồng thời kêu gọi mọi người nên bình tĩnh và không nên đồn thổi thêm thông tin.

Trong khi đó, giới y tế Hàn Quốc cùng ngày đã kêu gọi người dân nước này không nên hoảng loạn trước tin đồn về nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ từ Nhật Bản khi rất nhiều người đổ xô đến các hiệu thuốc tìm mua thuốc để "phòng bệnh". Theo WHO, thuốc không phải là "chất giải độc phóng xạ", cũng không phải là thuốc thích hợp sử dụng cho tất cả mọi người và cũng có thể gây ra sốc phản vệ và những vấn đề khác.

Hiện WHO đang phối hợp với Nhật Bản và IAEA để đánh giá về tình hình và cho rằng những người sống ngoài bán kính 30 km xung quanh khu vực xảy ra sự cố hạt nhân ở Nhật Bản không bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cùng ngày cũng cho biết chi nhánh của hội tại Tôkyô khẳng định tình hình vẫn an toàn đối với du khách quốc tế.

Trong một diễn biến khác, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra mất điện trên diện rộng tại thủ đô Tôkyô và kêu gọi người dân sử dụng điện hết sức tiết kiệm. Thủ tướng Naoto Kan đã ra lệnh cắt điện luân phiên để tránh xảy ra sự cố mất điện lớn. Lượng điện tiêu thụ đặc biệt tăng vọt trong khoảng thời gian từ đêm đến sáng do nhu cầu sưởi ấm trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp. Ngành đường sắt ở thủ đô Tôkyô cũng lên kế hoạch cắt giảm số chuyến tàu chạy ban đêm để tiết kiệm điện. Các biện pháp tiết kiệm điện ở các khu vực quanh Tôkyô dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 4/2011.

Động đất khiến Nhật Bản bị dịch chuyển 2,4 m về phía đông

Theo các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Thiên văn và Không gian Hàn Quốc (KASSI), trận động đất khủng khiếp ngày 11/3 đã làm đất nước Nhật Bản dịch chuyển 2,4 mét về phía đông. Bán đảo Triều Tiên cũng bị dịch chuyển 5 cm về phía đông. Theo KASSI, quần đảo Dokdo (theo cách gọi của Hàn Quốc) hay Takeshima (theo cách gọi của Nhật Bản), hiện đang tranh chấp giữa hai nước, bị dịch chuyển 5cm về phía đông. Người phát ngôn của KASSI cho biết cơ quan này đang tìm hiểu xem sự dịch chuyển này chỉ là tạm thời hay vĩnh viễn.
Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), trận động đất khiến thời gian ban ngày bị rút ngắn 1/1 triệu giây và làm dịch chuyển trục Trái đất 6,5 inch (16,5 cm).
TTG


Nga đã cảnh báo về động đất ở Nhật Bản từ năm 1997

Ngay từ năm 1997, các nhà khoa học Nga dự báo khả năng xảy ra trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản vừa qua trong một bài báo đăng trên một tạp chí nghiên cứu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Hãng tin Ria-Novosti (Nga) dẫn lời ông Valery Abramov, tiến sỹ địa chất học - khoáng vật học, Trưởng Phòng thí nghiệm khu vực địa chất và vật lý kiến tạo thuộc Viện Thái Bình Dương - Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho biết dự báo trên của các nhà khoa học Nga đã được cung cấp cho chính quyền Nhật Bản ngay vào thời điểm đó.
Ngày 3/5/2006, tại Nhật xảy ra trận động đất tương đối mạnh mà theo các nhà khoa học Nga, đây là "tín hiệu" của vụ động đất năm 2011. Các nhà khoa học Nga dự báo rằng năm 2011, tại khu vực Kanto (Nhật Bản) sẽ xảy ra một loạt trận động đất có cường độ lên tới 10 độ Richter, thậm chí còn cao hơn. Những dự báo này được đưa ra dựa trên cơ sở nghiên cứu kho dữ liệu khổng lồ về hoạt động của các tầng địa chất tại vùng Viễn Đông và liên hệ với trận động đất năm 1923 tại Nhật Bản.
TTG

Quang Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN