Sóng gió trong quan hệ Nga - Nhật sẽ đi về đâu?

Ngày 1/11, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tới thăm đảo Kunashiri, bất chấp sự phản đối của Nhật Bản. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Nga tới khu vực tranh chấp với Nhật Bản trong thời kỳ hậu Xô Viết. Ngay lập tức, các quan chức Chính phủ Nhật Bản đã có phản ứng quyết liệt đối với hành động trên của phía Nga.

Chuyến thăm gây tranh cãi

Tổng thống Medvedev (trái) trong chuyến thăm đảo Kunashiri

Đảo Kunashiri là một trong bốn hòn đảo thuộc quần đảo mà phía Nga gọi là quần đảo Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc. Đây là các hòn đảo nằm ở phía bắc đảo Hokkaido của Nhật Bản và hiện do Nga quản lý.

Chuyến thăm của Tổng thống Medvedev tới đảo Kunashiri diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung đã trở nên xấu đi kể từ sau vụ va chạm tàu giữa hai nước ở gần quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông hôm 7/9, trong khi quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ cũng đang ở thời kỳ băng giá do vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ ở tỉnh Okinawa. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ trong dư luận Nhật Bản. Theo nhật báo Yomiuri, trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 9/2010, Tổng thống Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký vào tuyên bố chung về việc kỷ niệm 65 năm ngày kết thúc Thế Chiến II. Tại thời điểm đó, một số quan chức chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc và Nga có thể sẽ kết nối vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc với vấn đề tranh chấp quần đảo Nam Kuril giữa Nhật Bản và Nga.

Trong tháng 9, thời điểm căng thẳng nhất trong quan hệ Nhật - Trung, Nga đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril. Ngày 27/9, các phương tiện truyền thông Nga thông báo, Tổng thống Medvedev sẽ tới thăm các hòn đảo Etorufu và Kunashiri trên đường trở về Mátxcơva sau chuyến thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, phía Nga đã hủy bỏ kế hoạch này vì “lý do thời tiết xấu”. Hai ngày sau đó, Tổng thống Nga đã nhấn mạnh quần đảo Nam Kuril là “vùng đất quan trọng của đất nước chúng ta” và khẳng định “chúng tôi nhất định sẽ đi” thăm quần đảo này trong tương lai gần.

Phản ứng trước động thái trên của Nga, ngày 29/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara đã bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng chuyến thăm của Tổng thống Nga tới “Vùng lãnh thổ phía Bắc” sẽ làm xấu đi quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, ngày 8/10, Nga đã lên tiếng bác bỏ khả năng hủy bỏ chuyến thăm của Tổng thống Medvedev tới quần đảo Nam Kuril theo yêu cầu của Nhật Bản. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Koro Bessho của Nhật Bản tại Mátxcơva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Borodavkin cho rằng, quyết định thị sát vùng lãnh thổ bên trong nước Nga là quyết định mang tính độc lập. Do vậy, mọi tác động từ bên ngoài là không thích hợp và Nga cũng sẽ không chấp nhận điều đó. Và ngày 1/11, Tổng thống Medvedev đã trở thành nguyên thủ đầu tiên của Nga tới thăm quần đảo tranh chấp với Nhật Bản trong thời hậu Xô Viết.

Lập trường cứng rắn của hai bên

Ngay sau khi nhận được thông tin về chuyến thăm đảo Kunashiri của Tổng thống Nga, trưa ngày 1/11, Ngoại trưởng Maehara đã triệu Đại sứ Nga Mikhail Bely tới để chuyển lời phản đối tới chính phủ Nga. Ông Maehara khẳng định, chuyến thăm của Tổng thống Medvedev “trái với lập trường cơ bản của Nhật Bản” và “phớt lờ cảm nghĩ của người dân” nước này.

Đáp lại, Đại sứ Bely tuyên bố, chuyến thăm đảo Kunashiri của Tổng thống Medvedev là “một vấn đề nội bộ đơn thuần” và “quan hệ Nhật - Nga xấu đi sẽ không có lợi cho cả hai nước”. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói: "Phản ứng của phía Nhật Bản đối với chuyến thăm của Tổng thống Medvedev tới quần đảo Nam Kuril là không thể chấp nhận được. Đó là lãnh thổ của chúng tôi và Tổng thống Nga tới thăm vùng lãnh thổ của Nga".

Theo các chuyên gia phân tích, khác với cuộc chiến ngoại giao Nhật - Trung, Nhật Bản sẽ có lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga bởi vì, lợi ích kinh tế của Nhật Bản ở Nga không lớn như ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, do bị dư luận trong nước chỉ trích nặng nề về những phản ứng yếu ớt trong cuộc chiến ngoại giao với Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản có thể sẽ phải có hành động quyết liệt hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga, nhất là khi tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Kan đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi được thành lập.

Hơn nữa, khác với cuộc chiến ngoại giao với Trung Quốc, lần này, Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ đối với Nhật Bản ngay từ đầu. Ngày 1/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley tuyên bố, Oasinhtơn ủng hộ Nhật Bản trong vụ tranh chấp các hòn đảo với Nga.

Dường như được tiếp thêm sức mạnh từ sự ủng hộ của Mỹ, ngày 2/11, Chánh Văn phòng nội các Yoshito Sengoku tuyên bố chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc “các biện pháp thích hợp” để đáp lại chuyến thăm đảo Kunashiri của Tổng thống Medvedev. Cùng ngày, Ngoại trưởng Maehara thông báo, ông đã yêu cầu Đại sứ nước này tại Nga Masaharu Kono về nước trong thời gian ngắn để báo cáo với chính phủ các thông tin về chuyến thăm đảo Kunashiri của Tổng thống Medvedev.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia phân tích cho rằng, Nhật Bản chắc chắn không muốn có một cuộc chiến ngoại giao với Nga bởi điều đó không có lợi cho cả hai nước. Điều này thể hiện qua phát biểu của Ngoại trưởng Maehara rằng: “Chúng tôi sẽ nói những gì chúng tôi cần phải nói, nhưng ý định của chúng tôi về việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga và ký kết hiệp ước hòa bình song phương để thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn không thay đổi” và “Chúng tôi tin rằng Nga là một nước quan trọng” trong các nỗ lực mang tính chiến lược của Tôkiô nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế thông qua chính sách ngoại giao.

Một ngày trước đó, người đồng cấp Lavrov cũng đã thể hiện thái độ tích cực khi tuyên bố Nga không có ý định áp dụng "những biện pháp có khả năng cản trở mối quan hệ hợp tác giữa hai nước". Nhiều khả năng Nhật Bản và Nga sẽ dàn xếp một cuộc gặp giữa Thủ tướng Kan và Tổng thống Medvedev bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Yokohama (Nhật Bản) vào trung tuần tháng 11 để tránh một cuộc chiến ngoại giao giữa hai nước.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN