Số người buộc phải rời bỏ nhà cửa trên toàn cầu tăng lên mức kỷ lục

Ngày 14/6, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố báo cáo cho thấy số người buộc phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn đã tăng lên mức kỷ lục là 110 triệu người, trong đó các cuộc xung đột ở Ukraine và Sudan đã khiến hàng triệu người phải sơ tán.

Chú thích ảnh
Người tị nạn Sudan tại một trại tạm ở Koufroun, CH Chad ngày 1/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo của UNHCR, mức tăng khoảng 19 triệu người lên 108,4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vào cuối năm ngoái đã là mức tăng hằng năm lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, con số này tiếp tục tăng thêm lên 110 triệu người, chủ yếu là do cuộc xung đột kéo dài 8 tuần ở Sudan.

Báo cáo trên nêu rõ trong 2 thập niên trước khi xảy ra cuộc xung đột ở Syria năm 2011, số người phải rời bỏ nhà cửa trên toàn cầu ổn định ở mức khoảng 40 triệu người. Tuy nhiên, con số này tiếp tục tăng hằng năm và hiện đã tăng lên gấp đôi. Báo cáo cho thấy hiện nay, cứ 74 người thì có hơn 1 người phải rời bỏ nhà cửa.

biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nhấn mạnh: "Các giải pháp cho những đợt di chuyển này ngày càng khó hình dung, thậm chí khó có thể đặt lên bàn thảo luận. Chúng ta đang ở trong thế giới rất phân cực, nơi căng thẳng quốc tế đang cản trở các hoạt động nhân đạo". Ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xung đột, ngược đãi, phân biệt đối xử, bạo lực và biến đổi khí hậu. Trong tổng số người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và cần được quốc tế bảo vệ, khoảng 50% đến từ 3 quốc gia gồm Syria, Ukraine và Afghanistan. Ông Grandi cũng bày tỏ quan ngại về những quy định nghiêm ngặt hơn trong việc tiếp nhận cũng như hồi hương người di cư, nhưng không nêu rõ là ở nước nào. Ông nhận thấy ngày càng nhiều quốc gia miễn cưỡng tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước 1951 về quy chế người tị nạn, ngay cả những nước đã tham gia ký kết.

Bên cạnh đó, ông Grandi cũng thể hiện lạc quan về một số diễn biến mới, cụ thể là thỏa thuận mà các Bộ trưởng thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được hồi tuần trước về chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư và tị nạn. Ông cũng đánh giá cao hành động của Kenya, quốc gia đang tìm kiếm các giải pháp mới cho 500.000 người tị nạn mà nước này tiếp nhận, trong đó có nhiều người đã chạy trốn đói nghèo và hạn hán ở vùng Sừng châu Phi.

Trần Quyên (TTXVN)
Thỏa thuận chia sẻ người tị nạn - 'Thành công lịch sử' đối với châu Âu
Thỏa thuận chia sẻ người tị nạn - 'Thành công lịch sử' đối với châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/6 đã đạt được thỏa thuận cho phép các quốc gia thành viên hoặc chấp nhận chia sẻ số người xin tị nạn hoặc đóng góp cho một quỹ chung do Brussels quản lý để chăm sóc người di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN