Siêu bão Harvey và điều khác thường trên thị trường dầu mỏ

Theo các quan chức kỳ cựu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cách mà cơn bão Harvey tác động đến thị trường dầu mỏ là một trong những điều khác khác thường nhất mà họ từng được chứng kiến khi mà nó gây ảnh hưởng lớn nhất đến cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ nhưng lại không khiến giá dầu tăng.

Bảng giá xăng tại Decatur, Georgia, Mỹ ngày 31/8. Ảnh: EPA/ TTXVN

Không như cơn bão Katrina hay Gustav, gió mạnh chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, cơn bão Harvey còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà máy lọc dầu và các đường ống dẫn các chế phẩm từ dầu mỏ, khiến giá các chế phẩm dầu mỏ tăng.

Theo ông Olivier Jacob thuộc công ty tư vấn Petromatrix, giá xăng hiện ở mức tương đương với giá dầu khoảng 84 USD/thùng, giá dầu Brent và WTI kỳ hạn lại ở các mức tương ứng 51 USD/thùng và 46 USD/thùng và điều này không làm OPEC hài lòng.

Không giống với các cơn bão mạnh trước đây như cơn bão Katrina năm 2005, khi cơn bão Harvey đổ bộ, giá dầu lại giảm do các nhà giao dịch tập trung nhiều hơn vào tác động đến nhu cầu dầu thô của các nhà máy lọc dầu chịu thiệt hại trong cơn bão hơn là tác động đến nguồn cung do sản lượng bị sụt giảm. Điều này khiến các nước thành viên OPEC thất vọng khi đang hạn chế nguồn cung trong nỗ lực đưa giá dầu lên.

Các nhà phân tích hiện vẫn có những quan điểm khác biệt về việc liệu nhu cầu của các nhà máy lọc dầu Mỹ có phục hồi nhanh hơn sản lượng dầu của nước này hay không. OPEC trước đây đã không chú ý tới cuộc cách mạng dầu khí đá phiến ở Mỹ mà nhờ đó quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới này đã tăng sản lượng nhanh chóng và trở thành nước xuất khẩu lớn về cả dầu thô và các sản phẩm từ dầu thô trong những năm gần đây. Khi cuối cùng cũng nhận thấy mối đe dọa đó, OPEC mà đứng đầu là Saudi Arabia đã bước vào cuộc đua sản lượng nhằm loại bỏ các đối thủ đang khai thác dầu khí đá phiến với chi phí cao của Mỹ thông qua việc làm giảm giá dầu.

Tuy nhiên, trong hai năm qua, OPEC đã cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên, khi hầu hết các nước thành viên chịu quá nhiều sức ép tài chính do giá dầu thấp. Sự chuyển hướng này đã làm phục hồi tăng trưởng của ngành dầu mỏ của Mỹ, với sản lượng và xuất khẩu đều đạt mức cao kỷ lục mới, cho đến trước khi cơn bão Harvey đổ bộ.

Vẫn không rõ bão Harvey cuối cùng có "góp sức" vào nỗ lực của OPEC trong việc tái cân bằng thị trường thông qua việc làm giảm nguồn cung hơn làm giảm nhu cầu hay không. Dự trữ dầu của Mỹ đã giảm mạnh trong những tuần qua. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng cơn bão sẽ làm chậm tốc độ cân bằng của thị trường khi làm giảm nhu cầu 0,7 triệu thùng/ngày trong tháng tới. Trong khi đó, ngân hàng ING nhận định giá dầu thô của Mỹ sẽ giảm khi sản lượng sau khi giảm sút vì cơn bão sẽ tăng nhanh hơn nhu cầu của các nhà máy lọc dầu hiện vẫn đóng cửa do ngập lụt.

Nhưng một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua là xuất khẩu của Mỹ. Khi bão Katrina đổ bộ vào Mỹ, nước này đang xuất khẩu 1,3 triệu thùng dầu/ngày còn hiện nay đang xuất khẩu 5 - 6 triệu thùng dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ mỗi ngày. Theo ông Jakob, bão Harvey sẽ giúp ích cho OPEC và mục tiêu giảm dự trữ của phần còn lại của thế giới của tổ chức này nếu tác động đến xuất khẩu kéo dài.

Lê Minh (Theo Reuters)
Thị trường xăng dầu Mỹ biến động sau siêu bão Harvey
Thị trường xăng dầu Mỹ biến động sau siêu bão Harvey

Thị trường xăng dầu tại Mỹ biến động trái chiều sau khi cơn bão lịch sử Harvey đổ bộ vào trung tâm dầu mỏ - bang Texas, Tây Nam nước Mỹ cuối tuần qua, làm tê liệt ngành sản xuất dầu mỏ của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN