Serbia giải thích cáo buộc của Mỹ về triển khai binh sĩ tới giáp biên giới Kosovo

Mối quan hệ rạn nứt lâu dài giữa Kosovo và Serbia một lần nữa lại bị đe dọa sau khi bùng phát một trong những đợt bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm.

Chú thích ảnh
Lực lượng an ninh Kosovo bắt một trong những tay súng người Serbia sau vụ đấu súng ngày 24/9. Ảnh: AP

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 2/10 cho biết quân đội nước này không có ý định vượt qua giới tuyến hành chính với Kosovo vì leo thang xung đột có thể cản trở con đường gia nhập EU của nước này, trong bối cảnh Mỹ và EU cáo buộc Serbia đã triển khai lượng lớn binh sĩ tới biên giới với Kosovo vào cuối tuần qua.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times của Anh, ông Vucic nói: "Xung đột leo thang sẽ cản trở mong muốn gia nhập EU của Serbia. Điều này không mang lại lợi ích nào cho chúng tôi. Chúng tôi không muốn phá huỷ những gì đã xây dựng suốt một năm chỉ trong một ngày. Serbia không muốn chiến tranh”.

“Việc Serbia đưa binh sĩ đến giới tuyến hành chính là thông tin sai lệch. Năm ngoái chúng tôi có 14.000 binh sĩ ở gần đó; bây giờ chúng tôi có 7.000 và chúng tôi sẽ cắt giảm xuống còn 4.000 quân”, ông Vucic giải thích.

Trước đó vào ngày 24/9, một nhóm khoảng 30 người Serbia được vũ trang hạng nặng đã thực hiện cuộc tấn công vào một ngôi làng ở phía Bắc Kosovo. Một sĩ quan cảnh sát Kosovo và 3 người Serbia đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng khi cảnh sát Kosovo tìm cách kiểm soát tình hình.

Ngay sau đó, Tổng thống Serbia tuyên bố rằng các lực lượng Kosovo đang tiến hành chiến dịch "thanh lọc sắc tộc" nhằm vào người Serbia thiểu số ở Kosovo.

Ông Vucic cũng tiến hành các cuộc gặp với những đại diện của cộng đồng quốc tế và kêu gọi lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO đảm bảo an toàn cho khu vực miền Bắc Kosovo. Nhà Trắng, EU và nhiều tổ chức quốc tế thông báo rằng Serbia đã triển khai lực lượng tới biên giới Kosovo sau vụ việc trên và sau đó rút lui.

Nói về vụ đấu súng trên ở miền Bắc Kosovo, nhà lãnh đạo Serbia nhắc lại rằng Kosovo độc lập “chỉ là một giấc mơ”. “Chúng tôi sẽ không im lặng trước việc người Serbia bị sát hại. Tôi không quan tâm đến áp lực. Serbia cũng sẽ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình”, ông Vucic nhấn mạnh.

Về phần mình, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dačić nói với kênh truyền hình Prva rằng nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti là người duy nhất phải chịu trách nhiệm và đang tìm cách đổ lỗi cho Serbia, cáo buộc ông Kurti không muốn duy trì thỏa thuận Brussels, trong khi Serbia đang ở thế rất khó khăn và cần sẵn sàng cho mọi hình thức can thiệp.

Trước đó ngày 1/10, Mỹ đã cảnh báo về việc tăng cường binh sĩ “chưa từng có” của Serbia ở biên giới Kosovo, hối thúc Belgrade rút lực lượng ra khỏi khu vực này. Nhà Trắng thông báo Serbia đã triển khai xe tăng và pháo binh hiện đại tới biên giới sau khi các cuộc đụng độ chết người nổ ra. EU cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự.

Chính quyền Kosovo cho biết họ đang theo dõi các hoạt động của quân đội Serbia từ “ba hướng khác nhau”. Họ kêu gọi Serbia ngay lập tức rút quân và phi quân sự hóa khu vực biên giới.

Hơn 20 năm trôi qua, nền hòa bình mong manh vẫn được duy trì ở Kosovo, trong khi Serbia vẫn tiếp tục không công nhận nền độc lập của Kosovo. Người thiểu số Serbia ở Kosovo coi mình là một phần của Serbia và coi Belgrade là thủ đô của họ chứ không phải Pristina.

Phần lớn người Serbia ở Kosovo - chưa đến 1/10 tổng dân số - sống ở các khu vực phía Bắc và ngày càng đòi hỏi quyền tự trị lớn hơn trước sự phổ biến của người dân tộc Albania. Tranh chấp về mức độ tự trị của người Serbia thiểu số vẫn tiếp tục tồn tại, với việc nhóm dân tộc này đôi khi phản ứng bằng bạo lực trước những động thái của Kosovo mà họ coi là chống lại người Serbia.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euractiv.rs/CNN)
NATO tăng cường lực lượng ở Balkan khi căng thẳng ở Kosovo leo thang
NATO tăng cường lực lượng ở Balkan khi căng thẳng ở Kosovo leo thang

NATO đang tăng cường lực lượng ở khu vực Balkan trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi một nhóm chiến binh người Serbia trang bị vũ khí hạng nặng tấn công làng Banjska của Kosovo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN