Scotland muốn tách khỏi Anh, gia nhập EU

Ngày 14/5, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết nếu tách khỏi Anh, bà muốn vùng lãnh thổ này là thành viên đầy đủ của Liên minh châu Âu (EU), nhưng không sử dụng đồng tiền chung Euro.

Phát biểu với hãng BBC, bà Sturgeon cho biết Scotland sẽ phải đề ra tiến trình tiếp cận EU theo từng giai đoạn, với giai đoạn đầu tiên là gia nhập Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.

Thủ hiến Scotland, Nicola Sturgeon. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo Thủ hiến xứ Scotland, bà sẽ kêu gọi cử tri lựa chọn đảng Dân tộc Scotland của bà trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 6 tới để giúp vùng lãnh thổ này có tiếng nói có trọng lượng trong các cuộc đàm phán sắp tới về vấn đề Anh rời EU (còn gọi là Brexit) cũng như cơ hội tìm kiếm vị thế cho Scotland tại thị trường chung châu Âu duy nhất này.

Thủ hiến Sturgeon đã kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý lần thứ 2 về độc lập của Scotland sau Chính phủ Anh bác đề nghị của bà cho Scotland được hưởng miễn trừ đặc biệt là tiếp tục ở lại EU. Theo Thủ tướng Anh Theresa May, cả nước Anh đang rút khỏi EU để có thể hạn chế số người di cư từ các nước khác trong EU đến nước này. Tuy nhiên, Anh vẫn muốn duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước thành viên EU.

Scotland có khoảng 5,3 triệu dân và có lịch sử 300 năm nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 năm ngoái về Brexit, 52% người dân trên khắp Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ủng hộ việc này. Tuy nhiên, riêng tại Scotland, có đến 62% người dân xứ này lựa chọn ở lại EU. Sau đó, Thủ hiến Sturgeon nhiều lần khẳng định Scotland không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh này.

Trong các cuộc thăm dò mới, số người ủng hộ Scotland độc lập đã tăng lên, song phần lớn người dân vẫn phản đối việc tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập trước khi Anh rời khỏi mái nhà chung EU.

TTXVN/Tin Tức
Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chung tại EU sau Brexit
Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chung tại EU sau Brexit

Tiếng Anh sẽ tiếp tục được sử dụng làm ngôn ngữ giao dịch chung tại Liên minh châu Âu (EU) kể cả khi Anh không còn là thành viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN