Hãng tin AP cho biết phát biểu nêu trên của ông Austin được đưa ra tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan tổ chức ngày 3/12 (theo giờ địa phương). Người đứng đầu Lầu Năm góc cho rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất có cả ý chí và sức mạnh ngày một tăng để tái định hình khu vực và trật tự quốc tế cho phù hợp với mong muốn của mình. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không để điều đó xảy ra và trong thời điểm then chốt trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Mỹ sẽ cần sức mạnh quân sự để ngăn Bắc Kinh thiết lập các chuẩn mực toàn cầu.
Ông Austin cho biết thêm “vài năm tới sẽ quyết định các điều kiện cho sự cạnh tranh của chúng tôi (Mỹ) với Trung Quốc. Những điều kiện này sẽ định hình an ninh của châu Âu trong tương lai và sẽ xác định liệu con cái của chúng tôi có thể được kế thừa các quy tắc và quyền lợi của thế giới mở hay không". Theo ông Austin, giữa hai mối đe doạ đến từ hai cường quốc hạt nhân là Trung Quốc và Nga thì mối đe doạ đến từ Trung Quốc lớn hơn. Vì thế, ông Austin nhấn mạnh: “Dự toán của chúng tôi sẽ nhắm tới thách thức mang tên Trung Quốc, tăng tới mức chưa từng có” và "trong thế giới không hoàn hảo, sự răn đe sẽ đến từ sức mạnh (quân sự)".
Trước đó, hãng tin Reuters dẫn “Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc” do Lầu Năm góc công bố hôm 29/11 cho biết Trung Quốc hiện có kho dự trữ hạt nhân hơn 400 đầu đạn. Dựa trên tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân hiện tại, cơ quan này dự đoán rằng đến năm 2030, Bắc Kinh sẽ sở hữu 1.000 đầu đạn hạt nhân và đến năm 2035 là 1.500 đầu đạn. Theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã tăng cường lực lượng hạt nhân quá nhanh, đến mức khó mà giữ kín được. Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu Trung Quốc có đang chuyển hướng khỏi chiến lược ‘tinh gọn và răn đe hiệu quả’ như đã tuyên bố trước đây hay không.
Sau đó vào ngày 1/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng Mỹ đang phóng đại “mối đe dọa từ Trung Quốc” để mở rộng kho vũ khí hạt nhân và duy trì quyền bá chủ quân sự của quốc gia này. Theo đài RT (Nga), ông Triệu Lập Kiên giải thích chính sách hạt nhân của Trung Quốc vẫn nhất quán và rõ ràng, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh luôn tuân thủ chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước và đã hạn chế phát triển kho vũ khí chiến lược ở mức tối thiểu theo yêu cầu an ninh quốc gia.