Rừng - Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên

Không phải ngẫu nhiên, Liên hợp quốc (LHQ) chọn “Rừng - Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên” là chủ đề chính Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay. Bao phủ 1/3 diện tích lục địa, rừng thực hiện nhiều chức năng, cung cấp các dịch vụ thiết yếu và duy trì sự sống trên hành tinh, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp tất cả lợi ích vô giá về sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe mà rừng ban tặng, con người vẫn đang tàn phá rừng không thương tiếc. Cần thay đổi nhận thức và hành động khẩn cấp để cứu rừng - đó là thông điệp của Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay.

Lá phổi không còn... xanh


Rừng không chỉ là sinh kế của khoảng 1,6 tỷ người trên Trái Đất mà nó còn là lá phổi xanh khổng lồ, hấp thụ khí CO2 và giải phóng ôxy vào khí quyển, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Rừng lưu giữ nguồn nước, đáp ứng 50% nhu cầu tiêu dùng nước của các thành phố lớn trên toàn cầu. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu của đất và giúp giảm nhẹ sự tàn phá của thiên tai. Rừng là ngôi nhà chung của hơn một nửa số động thực vật trên cạn. Rừng đã thể hiện một cách rõ ràng và mạnh mẽ vai trò không thể thay thế trong đời sống con người.

Một phần “lá phổi” Amazon của Trái Đất. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, bất chấp tất cả lợi ích vô giá về sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe mà rừng ban tặng, con người đang tàn phá lá phổi xanh của hành tinh. Con người dường như vẫn còn khá thờ ơ với sự sống của rừng khi mà nạn phá rừng trên toàn cầu vẫn ở mức báo động. Nghiên cứu mới nhất của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 13 triệu ha rừng trên thế giới bị phá hủy, làm gia tăng 6 tỷ tấn khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính - gấp 3,6 lần lượng khí thải do các nhà máy điện và các nhà máy công nghiệp của Liên minh châu Âu thải vào khí quyển năm 2010.

Chung tay bảo vệ rừng

Không thể tàn phá rừng thêm nữa! Và chúng ta đã làm gì với nhận thức đó? Trung tuần tháng 5 vừa qua, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Khuôn khổ đánh giá và giám sát quản lý nguồn tài nguyên rừng. Đây là công cụ pháp lý mới nhất giúp các nước đánh giá việc quản lý nguồn tài nguyên rừng, xác định được hiệu quả quản lý rừng cũng như hiện trạng tài nguyên rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới (khoảng 1,2 tỷ người), lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường nghiêm trọng, Ấn Độ đã được chọn là chủ nhà của Ngày Môi trường thế giới năm nay.

Bảo tồn và sử dụng bền vững rừng, đến nay Ấn Độ đã có 39 khu bảo vệ các loài hổ, cũng như đang bắt tay bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật sắp bị tuyệt chủng như voọc vàng... Ấn Độ đang nỗ lực cùng các tổ chức, các chính phủ hành động nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng thế giới về bảo tồn các hệ sinh thái và sử dụng rừng bền vững.

Là quốc gia đông dân thứ tư thế giới và có khoảng 130 triệu ha rừng, Inđônêxia cũng có nhiều hoạt động hưởng ứng Năm Quốc tế về rừng 2011 của LHQ. Nhằm tôn vinh vai trò trung tâm của người dân trong quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng, quốc gia Nam Á này đã đề cao khẩu hiệu "Rừng cho nhân dân" với các biện pháp hết sức cụ thể như đã giao 700.000 ha rừng cho nông dân, đảm bảo cung cấp miễn phí cây giống nhằm nâng tổng số vườn ươm cây, đầu tư cho 23 trung tâm ươm cây giống tại 22 tỉnh; dành khoảng 348 triệu USD, tương đương 50% tổng ngân sách của ngành lâm nghiệp năm 2011, để hỗ trợ các chương trình trồng cây và đã đạt được những hiệu quả nhất định.

Trở về với rừng già Amazon, mới đây, chính phủ Braxin đã lập một ủy ban khẩn cấp nhằm đẩy mạnh nỗ lực đối phó nạn phá rừng đang đột ngột tăng mạnh.

Trong nhiều năm qua, chính phủ Braxin cũng đã áp dụng nhiều biện pháp như lập hệ thống theo dõi và cảnh báo phá rừng qua vệ tinh, lập “vành đai lửa” chống buôn lậu gỗ, tăng mức phạt những người chăn thả gia súc và trồng cây nông nghiệp không đúng quy định, cấp tín dụng ưu đãi và tạo điều kiện chuyển nghề cho những gia đình sống dựa vào việc khai thác gỗ, và mới đây nhất là cấp chứng chỉ cho 2.500 gia đình đăng ký phát triển kinh tế theo mô hình bền vững trong Đại khu Kinh tế - sinh thái Amazon.

Điểm nhấn Việt Nam

Là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng không đứng ngoài các nỗ lực chung bảo vệ rừng.

Năm quốc tế về Rừng 2011 được tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn trong hai ngày từ 4-5/6 với các hoạt động như Hội thảo về Bảo tồn đa dạng sinh học và đất ngập nước ở Việt Nam; trao Giải thưởng môi trường Việt Nam và phát động Cuộc thi quốc gia sáng tác ca khúc về môi trường lần 2...

Tháng 9 tới, nước ta sẽ phối hợp với Hà Lan tổ chức hội thảo tại Hà Nội “Sáng kiến quốc tế với chủ đề: Con đường đi đến nền kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững: Tập trung vào vai trò của thị trường và quản lý rừng bền vững”.

Đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần nhận thức sâu sắc một thực tế là tình trạng biến đổi khí hậu và các hành động để ngăn chặn tiến trình này là không tương đồng. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi con người cần phải nhận lấy trách nhiệm bảo vệ rừng để Trái Đất vẫn mãi là mái nhà xanh ấm áp cho các thế hệ mai sau.

Quế Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN