Rocket của Hamas từng rơi trúng căn cứ nghi chứa tên lửa hạt nhân của Israel

Phân tích hình ảnh của New York Times cho thấy một quả rocket mà Hamas phóng từ Dải Gaza vào ngày 7/10 đã đánh trúng một căn cứ quân sự của Israel bị nghi là nơi chứa tên lửa có khả năng hạt nhân.

Chú thích ảnh
Mũi tên chỉ vị trí bị trúng rocket, gần nơi nghi cất giữ tên lửa Jericho của Israel. Ảnh: Planet Labs

Mặc dù bản thân các tên lửa không bị bắn trúng nhưng tác động của rocket đối với căn cứ Sdot Micha ở miền Trung Israel đã gây ra một đám cháy lan tới các cơ sở chứa tên lửa và các vũ khí nhạy cảm khác.

Israel chưa bao giờ thừa nhận có kho vũ khí hạt nhân, mặc dù một số nguồn tin Israel, các quan chức Mỹ và các nhà phân tích hình ảnh vệ tinh đều cho rằng nước này có ít nhất một số lượng nhỏ vũ khí hạt nhân.

Ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn Nhà khoa học Mỹ, ước tính Israel rất có thể có từ 25 đến 50 bệ phóng tên lửa Jericho có khả năng hạt nhân tại căn cứ trên. Theo các chuyên gia và tài liệu được giải mật của chính phủ Mỹ, tên lửa Jericho của Israel có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Theo ông Kristensen, những đầu đạn đó rất có thể được cất ở một vị trí riêng và cách xa căn cứ, do đó không bị đe dọa trong cuộc tấn công ngày 7/10.

Cuộc tấn công vào căn cứ Sdot Micha chưa từng được đưa tin trước đây và là trường hợp đầu tiên các tay súng Palestine tấn công một địa điểm bị nghi chứa vũ khí hạt nhân của Israel. Không rõ liệu Hamas có biết chi tiết cụ thể về những gì họ định tấn công không, ngoài thông tin rằng căn cứ này chỉ đơn giản là một cơ sở quân sự.

Tuy nhiên, việc Hamas nhằm vào một trong những địa điểm quân sự nhạy cảm nhất ở Israel cho thấy phạm vi của cuộc tấn công ngày 7/10 có thể còn lớn hơn những gì mà người ta từng biết, và rocket có thể xâm nhập không phận ở trên khu vực chứa vũ khí chiến lược được bảo vệ chặt chẽ của Israel.

Theo dữ liệu cảnh báo, Hamas đã nã hàng loạt rocket suốt vài tiếng vào khu vực xung quanh Sdot Micha. Không rõ có bao nhiêu tên lửa đã bị hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn hoặc đã vượt qua và rơi trúng căn cứ. Trong một số trường hợp trên khắp Israel vào ngày 7/10, Vòm Sắt đã quá tải trước số lượng rocket đang lao tới hoặc hết tên lửa đánh chặn.

Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel từ chối bình luận về thông tin trên của New York Times. Tuy nhiên, từ ngày 7/10, Israel dường như đã nhận ra và đề phòng mối đe dọa nhằm vào Sdot Micha. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy các gò đất và rào chắn bằng đất mới đã được xây dựng xung quanh các vị trí quân sự gần vị trí từng bị rocket đánh trúng, có lẽ là để chắn các mảnh đạn hoặc mảnh vỡ từ các cuộc tấn công trong tương lai.

Theo cơ sở dữ liệu theo dõi các cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân của Đại học Maryland, trước đây,  chỉ có khoảng 5 cuộc tấn công trên toàn thế giới nhằm vào các căn cứ có vũ khí hạt nhân. Nhưng vì tính bí mật vốn có của vũ khí hạt nhân nên sẽ không bao giờ có con số chính xác.

Chú thích ảnh
Vị trí căn cứ Sdot Micha. Ảnh: New York Times

Tuy nhiên, ông Gary Ackerman, một trong những nhà nghiên cứu thiết lập cơ sở dữ liệu trên, cho biết cuộc tấn công ngày 7/10 là khác thường. Ông nói: “Đây không phải là điều xảy ra hàng ngày”.

Hamas và các nhóm tay súng Palestine khác thường bắn rocket vào các thị trấn và thành phố của Israel nằm tương đối gần Gaza. Họ đã bắn hàng nghìn quả đạn vào những địa điểm này vào ngày 7/10. Trong những trường hợp hiếm hoi mà các nhóm bắn rocket tầm xa, họ thường nhắm vào các thành phố của Israel xa Gaza như Tel Aviv và Rishon LeZion hơn là các căn cứ quân sự chứa vũ khí tiên tiến.

Căn cứ Sdot Micha tồn tại từ năm 1962, có thể nhìn thấy rõ ràng trên hình ảnh vệ tinh công cộng, trải trên khu vực đồi núi rộng. Mặc dù rocket do Hamas bắn ở Dải Gaza có thể không chính xác nhưng khó có khả năng Sdot Micha bị bắn trúng một cách tình cờ. Ngoài các cơ sở quân sự nhạy cảm, hầu như không có mục tiêu nào khác trong vòng hơn 3km quanh địa điểm mà quả rocket đã lao trúng. Ngoài ra, còn có rất ít mục tiêu quan trọng, phi quân sự trong toàn bộ khu vực này vì dân số thưa thớt.

Mặc dù ngọn lửa đã thiêu rụi một phần căn cứ quân sự này nhưng vũ khí và thiết bị vẫn được đảm bảo an toàn. Theo phân tích hình ảnh vệ tinh, ngọn lửa dừng lại cách cơ sở Jericho khoảng 300m.

Theo ông Kristensen, ngay cả nếu ngọn lửa lan đến các tên lửa, thì cũng khó gây thiệt hại vì các cơ sở thường để tên lửa dưới lòng đất, có đường hầm chống chịu được với các thiệt hại. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn có những rủi ro khi đám cháy bùng lên gần các kho nhiên liệu và đạn dược dễ bắt lửa.

Trước đó, New York Times cũng đưa tin rằng Israel đã có trong tay bản kế hoạch tấn công của Hamas từ hơn một năm trước. Tuy nhiên, giới chức Israel cho rằng kế hoạch này quá tham vọng và Hamas không thể thực hiện được. Trong thực tế, những gì xảy ra vào ngày 7/10 đều diễn ra chính xác theo bản kế hoạch dài 40 trang nói trên.

Trong cuộc tấn công này, Hamas đã giết chết 1.200 người Israel và bắt khoảng 240 người làm con tin. Israel đáp trả bằng đợt không kích dữ dội và chiến dịch trên bộ, khiến trên 16.000 người Palestine thiệt mạng. Sau giai đoạn ngừng bắn và thả con tin kéo dài 7 ngày, hai bên tiếp tục giao tranh ác liệt.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thủ tướng Israel tuyên bố sẽ phi quân sự hóa Dải Gaza sau cuộc chiến với Hamas
Thủ tướng Israel tuyên bố sẽ phi quân sự hóa Dải Gaza sau cuộc chiến với Hamas

Tối 5/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Dải Gaza sẽ phải được phi quân sự hóa sau cuộc chiến với Hamas.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN