"Rào cản" Thượng viện đã thông

Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực vận động, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng hội đủ số phiếu ủng hộ cần thiết từ các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa để Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới giữa Mỹ và Nga có khả năng được thông qua tại Thượng viện ngày 23/12 (giờ Việt Nam). Nếu được thông qua, đây sẽ là chiến thắng lớn của ông Obama liên quan đến một vấn đề chính sách đối ngoại hàng đầu.

Dàn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Ảnh: Internet


Hiệp ước START mới bước đầu đã vượt qua được "rào cản" Thượng viện khi đạt được 67 phiếu thuận (2/3 số phiếu trong Thượng viện 100 ghế) trong cuộc bỏ phiếu về quá trình thảo luận hiệp ước này. Trong bối cảnh ít nhất có 11 thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã công khai cam kết ủng hộ, việc thông qua hiệp ước này dường như sẽ là điều chắc chắn.

Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại, hi vọng sẽ có 70 thượng nghị sĩ ủng hộ hiệp ước START mới. Ông Kerry phát biểu: "Chúng ta sắp viết nên một chương tiếp theo trong lịch sử 40 năm đấu tranh với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân".

Trước đó, các thượng nghị sĩ đã thảo luận và bác bỏ hàng loạt đề nghị sửa đổi hiệp ước nhằm thay đổi các vấn đề như thanh tra vũ khí, trao đổi thông tin… Trong cuộc thảo luận, nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã công khai ủng hộ hiệp ước. Thượng nghị sĩ Lamar Alexander, nhân vật thứ 3 tại Thượng viện của đảng Cộng hòa, cho biết: "Tôi sẽ bỏ phiếu thông qua hiệp ước START mới… vì nó cho phép Mỹ có đủ số đầu đạn hạt nhân để chống lại bất kỳ kẻ tấn công nào".

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker cũng khẳng định: "Vấn đề không phải là hiệp ước có được thông qua hay không mà vấn đề là khi nào sẽ được thông qua". Trong khi đó, những thượng nghị sĩ phản đối hiệp ước bày tỏ sự tức giận khi không thể ngăn cản tiến trình thông qua START mới, đồng thời đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Obama đã thương lượng với Nga một bản hiệp ước mà theo đó "đã trao cho Nga quyền phủ quyết" về các kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ. Theo họ, phe Dân chủ đã vội vàng muốn thông qua hiệp ước này vì lý do chính trị.

Quân đội Mỹ di chuyển bom hạt nhân B61 khỏi căn cứ quân sự Ramstein (Đức). Ảnh: Internet


Khi được thông qua tại Thượng viện, START mới sẽ đánh dấu một thành công quan trọng của Tổng thống Obama trong nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân. Mới cách đây vài tuần, hiệp ước này khó có khả năng vượt qua được "cửa ải" Thượng viện và tưởng chừng như đã "chết" hẳn khi ông Obama không thể tìm được đủ ít nhất 9 thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ hiệp ước.

Trước tình hình đó, ông Obama và các thành viên chủ chốt đã phải thực hiện chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ. Thậm chí, Tổng thống Obama còn hủy kỳ nghỉ Giáng sinh ở Hawaii. Theo Tổng thống Obama, START mới là vấn đề an ninh quốc gia cấp bách giúp cải thiện quan hệ với Nga. Ngày 22/12, trong khi vận động thông qua hiệp ước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng, hiệp ước này sẽ "nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vấn đề ngừng phổ biến vũ khí hạt nhân và tạo sự linh hoạt để cơ cấu lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ nhằm đáp ứng lợi ích an ninh quốc gia một cách tốt nhất".

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến hẳn Quốc hội để vận động các nghị sĩ. Chính quyền Mỹ muốn thông qua START mới trong năm 2010 vì đến tháng 1/2011, thế đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện sẽ giảm đi 5 ghế và thời gian chờ đợi có thể khiến hiệp ước bị trì hoãn hoặc không được thông qua.

Trước đó hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký hiệp ước START mới. Theo đó, hiệp ước này sẽ giới hạn số đầu đạn hạt nhân chiến lược của mỗi nước còn 1.550 (giảm 30% so với mức trần hiện nay là 2.200) trong vòng 7 năm tới, 800 máy phóng và máy bay ném bom. Hiệp ước này chính thức có hiệu lực khi được Quốc hội hai nước phê chuẩn.

Thùy Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN