Quốc gia đầu tiên chuyển giao xe tăng do phương Tây sản xuất cho Ukraine

Nước thành viên G7 này sẽ trở thành quốc gia tiên chuyển giao xe tăng chiến đấu do phương Tây thiết kế tới Kiev, khi trước đó Ukraine chỉ nhận được xe tăng thời Liên Xô.

Chú thích ảnh
Xe chiến đấu bọc thép bánh lốp AMX-10 RC của Pháp sẽ tham chiến ở Ukraine.

Văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron ngày 4/1 cho biết, Pháp sẽ cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nhẹ AMX-10 RC cho Ukraine, hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột với Nga.

Động thái này đồng nghĩa Pháp trở thành nước đầu tiên gửi các phương tiện chiến đấu bọc thép do phương Tây thiết kế đến quốc gia đang trong xung đột kéo dài này.

Điện Elysée cho biết sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Macron và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy rằng Pháp sẽ gửi xe chiến đấu bọc thép AMX-10 RC mà Paris đang dần thay thế bằng xe tăng chiến đấu Jaguar mới.

Trước đó, một số quốc gia đã gửi xe tăng tới Ukraine, nhưng đây đều là những phương tiện được thiết kế từ thời Liên Xô. Cả Pháp và Đức đều chịu áp lực gửi xe tăng phương Tây tới Ukraine nhưng đã từ chối nhượng bộ yêu cầu của Kiev.

Một cố vấn của Bộ trưởng Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp Sébastien Lecornu cho biết quyết định ngày 4/1 được đưa ra để giúp Ukraine chuẩn bị cho "một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga" vào mùa xuân 2023.

Ông nói: “Ukraine đang ở thời kỳ đỉnh điểm ở tuyến đầu… Nga đang cố gắng khủng bố người dân bằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đôi khi vươn xa tới tận Kiev, nhưng Ukraine cũng có thể bắt đầu một cuộc phản công”.

Sau khi quyết định trên được công bố, Tổng thống Zelensky đã cảm ơn người đồng cấp Pháp Macron trên Twitter, nói rằng hai nhà lãnh đạo đã có “một cuộc trò chuyện dài và chi tiết” và rằng “sự lãnh đạo của tổng thống Pháp mang chiến thắng của chúng ta đến gần hơn”.

Tuy nhiên, yêu cầu của Ukraine về việc các đồng minh cung cấp thêm vũ khí vẫn chưa được đáp ứng hoàn toàn: Hồi tháng 12/2022, Kiev đã chính thức yêu cầu một mẫu xe tăng khác, Leclerc - vốn là xe tăng chiến đấu chủ lực của Pháp - thay vì xe tăng hạng nhẹ AMX-10 đang bị loại bỏ dần.

Theo cố vấn của Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp, việc duy trì năng lực quốc phòng của Pháp vẫn là “lằn ranh đỏ” đối với Tổng thống Macron.

Pháp cũng không nói rõ sẽ gửi bao nhiêu phương tiện AMX-10, nhưng Bộ Quốc phòng Pháp và Ukraine dự kiến ​​sẽ sớm thảo luận thêm về việc chuyển giao thiết bị.

Chú thích ảnh
AMX-10 RC được trang bị một khẩu pháo nòng trơn 105mm. Ảnh: Francex

Được thiết kế từ năm 1970, nhưng phải tới năm 1981, xe tăng bánh lốp AMX-10RC mới chính thức được quân đội Pháp sử dụng.

Loại xe tăng hạng nhẹ này được chỉ định là "xe trinh sát", được trang bị pháo 105mm, tầm bắn hiệu quả 2000m. Kíp chiến đấu của xe gồm 4 người, bao gồm lái xe, trưởng xe, xạ thủ và người nạp đạn.

Ngoài khẩu pháo chính, xe còn được trang bị 1 khẩu súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62 mm và 1 khẩu súng máy hạng nặng 12,7mm có nhiệm vụ phòng không. Cơ số đạn dự trữ của khẩu pháo này là 38 viên.

AMX-10RC có trọng lượng 15 tấn, chiều dài tổng thể 9.15 mét, rộng 2.78 mét và có chiều cao 2.56 mét. Xe còn được trang bị một số thiết bị hiện đại như máy đo xa laser, máy tính đường đạn điện tử và thiết bị nhìn ban đêm.

Loại thiết giáp này được trang bị tổng cộng 4 ống phóng lựu khói, cho phép nó có thể tạo ra bức tường khói trong diện tích khoảng 100 mét vuông, đủ để che mắt đối phương và rút lui an toàn trong trường hợp nguy hiểm.

AMX-10 RC sử dụng động cơ diesel tăng áp Baudouin 6F11 SRX 280 mã lực, khả năng di chuyển với tốc độ tối đa khoảng 85km/h trên đường thường và 40km/h trên địa hình xấu. 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
UAV nghi của Triều Tiên xâm phạm vùng cấm bay quanh Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc
UAV nghi của Triều Tiên xâm phạm vùng cấm bay quanh Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc

Một máy bay không người lái (UAV) nghi của Triều Tiên được phát hiện di chuyển trong vùng cấm bay có bán kính 3,7 km xung quanh Văn phòng của Tổng thống Yoon Suk Yeol ở thủ đô Seoul hồi tháng trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN