Quan hệ Việt Nam - Anh tốt đẹp nhất từ trước đến nay

Quan hệ Việt Nam - Anh đang phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay". Đó là nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Anh Hugo Swire (ảnh) trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Thủ tướng Anh David Cameron.

 

Ảnh: Internet

Ông Swire nhấn mạnh đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Anh, do đó chuyến thăm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chuyến thăm cũng cho thấy mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Điều thú vị là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đặt chân tới nước Anh (năm 1913).


Theo ông Swire, Hiệp định đối tác chiến lược Việt Nam - Anh ký năm 2010 đã thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 ước tính đạt 4 tỷ USD/năm. Tháng 4/2012, Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague đã thăm chính thức Việt Nam và đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Anh trong vòng 17 năm qua. Cũng trong tháng 11/2012, ông Swire đã có buổi làm việc về vấn đề hợp tác thương mại với Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hồ Thị Kim Thoa. Ngoài ra, các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng đang phát triển nhanh chóng. Hiện có 8.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Anh, trong khi ngày càng nhiều người Anh đi du lịch Việt Nam.


Ông Swire nhấn mạnh, Việt Nam là một đất nước năng động, có tỷ lệ tăng trưởng đáng khâm phục. Anh mong muốn là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam. Hiện Anh là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về hàng hóa, dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật mà các nước đang phát triển rất cần, từ thiết bị giao thông cho đến dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, việc được tiếp cận các tiêu chuẩn giáo dục của Anh cũng là một trong những nhu cầu của thế hệ trẻ Việt Nam và quyết định thành lập Đại học Việt Nam - Anh ở Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn quốc tế là bước đi quan trọng nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực giáo dục.


Về lĩnh vực thương mại, ông Swire cho rằng hai bên cần nỗ lực hơn nữa để phá vỡ các rào cản nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Anh có đội ngũ cán bộ thương mại ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để giúp các doanh nghiệp Anh đang chuẩn bị lập văn phòng hoặc mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, những vấn đề về tiếp cận thị trường và quan liêu tại Việt Nam vẫn còn là mối quan ngại đối với các doanh nghiệp Anh. Ông hy vọng hai bên có thể giải quyết được những vấn đề trên trong năm tới để Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều vốn đầu tư.


Ông Swire cũng cho biết chính phủ Anh sẽ chú trọng phát triển mối quan hệ với Việt Nam trên lĩnh vực chính trị. Dự kiến, sau chuyến thăm Anh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thứ trưởng Quốc phòng Anh Lord Astor sẽ sang thăm Việt Nam vào cuối tháng 1/2013. Bản thân ông Swire hy vọng có thể sang thăm Việt Nam vào cuối năm nay.


Về chính sách đối ngoại, ông Swire cho biết Anh đang muốn thiết lập các mối quan hệ gần gũi hơn với các nước châu Á trên nền tảng hoàn toàn mới so với trước đây. Anh hoan nghênh triển vọng một ASEAN mạnh mẽ và thịnh vượng, có vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề quốc tế. Hiện Anh là một trong số ít nước có đại diện ở tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Anh hy vọng ASEAN sẽ tận dụng tối đa tiềm năng của khối để hội nhập kinh tế và mở rộng hợp tác ra bên ngoài khu vực. Anh luôn chào đón các nhà đầu tư từ châu Á, đồng thời là cửa ngõ cho các doanh nghiệp châu Á đầu tư vào châu Âu.


Về vấn đề an ninh, ông Swire nhấn mạnh Anh đang hoạt động tích cực và hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á nhằm ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố, tội phạm có tổ chức như buôn lậu ma túy và buôn người, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời trao đổi biện pháp đảm bảo an ninh hàng hải, đối phó với nạn cướp biển từ eo biển Malacca tới Ấn Độ Dương và Vịnh Aden; kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông khẳng định việc tham gia hợp tác lâu dài với châu Á, đặc biệt là Việt Nam, không phải là một lựa chọn mà là một nhu cầu cấp thiết. Đó cũng là cốt lõi trong các mục tiêu chính sách đối ngoại của Anh và chính sách đó sẽ ngày càng được tăng cường hơn nữa, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực.


Ngân Bình (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN