Quan hệ thương mại Mỹ - Trung lại nổi sóng

Danh sách các vụ tranh cãi, kiện tụng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có nguy cơ dài ra khi liên tiếp trong 2 ngày qua, Oasinhtơn lên tiếng chỉ trích một loạt chính sách thương mại của Bắc Kinh.

Trong báo cáo thường niên trình Quốc hội Mỹ ngày 24/12 (giờ VN), đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã tỏ ý quan ngại Trung Quốc vi phạm các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mặc dù đánh giá cao những bước đi đầy ấn tượng mà Bắc Kinh đã thực hiện để cải cách nền kinh tế trong 9 năm qua kể từ khi gia nhập WTO (năm 2001), báo cáo dày hơn 100 trang của USTR cũng cho rằng các nỗ lực cải cách của Trung Quốc đã chững lại trong những năm gần đây.


Cụ thể, Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi các chính sách dựa trên sự can thiệp quá mức của chính phủ nhằm thúc đẩy và bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nhà nước. Theo USTR, sự can thiệp này, thể hiện rõ nhất trong năm 2010, phản ánh quá trình chuyển đổi chưa hoàn chỉnh của Trung Quốc từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường tự do.

Đất hiếm được xem là nguồn tài nguyên chiến lược của Trung Quốc. Trong ảnh là một mỏ đất hiếm của nước này. Ảnh: Internet


Ngoài ra, báo cáo cho biết, Trung Quốc đã bác yêu cầu của Mỹ, muốn Bắc Kinh xóa bỏ việc giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm. Tuy nhiên, Oasinhtơn khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề này và sẵn sàng đề nghị WTO giải quyết.

Một ngày trước, Oasinhtơn cũng đã bày tỏ lo ngại về việc các nhà sản xuất tuốcbin phong điện và các thiết bị, phụ tùng có liên quan của Trung Quốc có thể đã nhận được hàng trăm triệu USD trong năm 2008 từ Quỹ đặc biệt dành cho ngành năng lượng gió của chính phủ Trung Quốc. Oasinhtơn cho rằng, khoản trợ cấp này là có vấn đề, bất hợp pháp và vi phạm quy định của WTO.

Theo hãng tin AFP, khoản trợ cấp của Trung Quốc trị giá khoảng 22,5 triệu USD. Đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ xanh. Dù đã đầu tư nhiều cho ngành năng lượng xanh nhưng Mỹ vẫn chưa theo kịp Trung Quốc trong lĩnh vực này.


Về phần mình, Trung Quốc ngay lập tức đã lên tiếng bảo vệ việc trợ cấp cho ngành năng lượng gió và mặt trời. Nước này cho rằng chính sách trợ cấp là cách tốt nhất để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.


báo của Bộ Thương mại Trung Quốc viết: Các quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực phát triển năng lượng tái sinh để đối phó với biến đổi khí hậu. Việc Trung Quốc trợ cấp cho ngành sản xuất phong điện là giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững và Trung Quốc vẫn tuân thủ các quy định của WTO.

Việc Mỹ đề nghị WTO làm trọng tài phân xử cuộc tranh cãi thương mại này có nghĩa là đại diện thương mại hai nước sẽ cùng thảo luận để tìm ra một giải pháp trong khuôn khổ WTO. Nếu trong vòng 60 ngày hai bên không tìm được tiếng nói chung, Mỹ có thể đề nghị một ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO xem xét đơn kiện của mình.

Căng thẳng mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung xuất hiện đúng thời điểm Nhà Trắng thông báo về chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (dự kiến diễn ra trong tháng 1/2011).


Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vụ việc này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông Zhu Feng - Giáo sư về quan hệ Mỹ - Trung thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế, Đại học Bắc Kinh - nhận định: Chuyến thăm Mỹ của ông Hồ Cẩm Đào sẽ là cơ hội tuyệt vời để lãnh đạo hai nước thảo luận về các vấn đề kinh tế, chính trị mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có cả những tranh cãi thương mại.

Thùy Dương (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN