Quan hệ Đức – Pháp rạn nứt vì khủng hoảng năng lượng, quốc phòng

Mối quan hệ đối tác hàng đầu của châu Âu giữa Berlin và Paris đang trải qua thời kỳ khó khăn. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Getty Images

Pháp và Đức là hai nước lớn trong EU và thường thể hiện đoàn kết trước nhiều cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hai bên có dấu hiệu bất đồng trong một số vấn đề quan trọng. 

Báo Izvestia (Nga) nhận định cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris hôm 26/10 cho thấy hai bên sẽ không dễ dàng vượt qua mối bất hòa tồn tại suốt nhiều tháng qua.

Sau hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Scholz chỉ đưa ra nhận xét rằng hai ông đã có một cuộc trò chuyện tốt đẹp và quan trọng về vấn đề cung cấp năng lượng cho châu Âu, lạm phát và các dự án quốc phòng chung. Hai nhà lãnh đạo này đã không tổ chức họp báo sau cuộc gặp, với lý do Thủ tướng Đức bận lịch trình làm việc.  

Theo Izvestia, một lý do khiến Paris và Berlin không hài lòng với nhau là do lĩnh vực năng lượng. Pháp không đồng ý với đề xuất của Thủ tướng Olaf Schols về việc cấp gói trợ cấp năng lượng trị giá 200 tỷ euro cho các doanh nghiệp và hộ gia đình Đức, thay vì để toàn bộ châu Âu áp dụng mức trần giá khí đốt Nga. Trong khi Berlin phản đối áp giá trần khí đốt trong toàn khối vì lo ngại người tiêu dùng ngừng tiết kiệm, khiến tình hình thêm tồi tệ thì Paris lại thúc đẩy áp giá trần khí đốt toàn khối. 

Mặt khác, Đức không ủng hộ châu Âu nối lại dự án đường ống MidCat, chạy từ bán đảo Iberia đến Bắc Âu.

Cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin nói với Izvestia rằng mối quan hệ giữa Paris và Berlin đang bị chia rẽ trong thời điểm quan trọng. Ông tin rằng nếu các quốc gia này không đoàn kết, họ sẽ trở thành nạn nhân của nền kinh tế và hệ thống an ninh của Mỹ.

Trong khi đó, theo ông Jan Nolte, thành viên của Ủy ban Quốc phòng Đức, Pháp đã lên án việc Đức mua vũ khí từ Mỹ. Nhưng mặt khác, chính Pháp lại làm phức tạp các dự án vũ khí của châu Âu khi đưa ra các hiệp ước đơn phương có lợi cho Paris, quay lưng lại với lời kêu gọi các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia dự án phòng không chung của Berlin.

Cùng với những lo ngại về quốc phòng và năng lượng kể trên, hai bên còn bất đồng về chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Thủ tướng Đức - một vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại. Theo Paris, sẽ tốt hơn khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz công du Trung Quốc cùng nhau.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo TASS)
Nga và Trung Quốc hứa hẹn đẩy quan hệ lên tầm cao mới
Nga và Trung Quốc hứa hẹn đẩy quan hệ lên tầm cao mới

Trong cuộc điện đàm vào ngày 27/10, hai ngoại trưởng của Nga và Trung Quốc đã thảo luận về việc đưa liên minh hai nước lên cấp độ tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN