Quân đội Libi đẩy lùi quân nổi dậy

* Đằng sau Hội nghị quốc tế về Libi

Ngày 29/3 (giờ VN), quân đội của chính phủ Libi đã đẩy lùi cuộc tiến công của lực lượng đối lập vào thành phố Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, chặn đà tiến công của lực lượng này hướng về thủ đô Tripôli. Theo các nguồn tin từ Libi, lực lượng chống chính phủ đã vấp phải hỏa lực dữ dội của quân đội Libi tại Harawa, cách Sirte khoảng 60 km.

Lực lượng nổi dậy Libi rút khỏi trận địa gần Nofilia, cách Sirte khoảng 100 km ngày 29/3.


Cùng ngày, truyền hình nhà nước Libi đưa tin, NATO đã tiến hành các đợt không kích mới nhằm vào các mục tiêu quân sự và dân sự tại các thành phố gần Tripôli như Garyan, Surman và Mizda. Từ Pari, người phát ngôn quân đội Pháp cũng xác nhận máy bay chiến đấu của họ đã tấn công sở chỉ huy Libi ở phía nam Tripôli. Trong khi đó, Bộ chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ (USAC) cho biết, ngày 29/3, một máy bay tuần tra trên biển P-3C của Hải quân Mỹ và một máy bay chiến đấu A-10 Thunderbolt của Không quân Mỹ cùng một tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển USS Barry đã tấn công tàu Vittoria của Lực lượng bảo vệ bờ biển Libi cùng hai tàu khác nhỏ hơn.

Chính phủ Libi tố cáo, mục tiêu của liên quân không phải là bảo vệ dân thường như tuyên bố mà trên thực tế là nhằm tạo lợi thế cho lực lượng chống chính phủ. Thứ trưởng Ngoại giao Libi, Khaled Kaim, cáo buộc liên quân đang âm mưu chia cắt Libi bằng một cuộc nội chiến. Nhà lãnh đạo Kadhafi, trong bức thư gửi tới hội nghị quốc tế về Libi diễn ra ở Luân Đôn (Anh) ngày 29/3, đã ví những đợt không kích của liên quân với chiến dịch quân sự mà Adolf Hitler đã tiến hành trong Thế chiến II đồng thời kêu gọi chấm dứt hành động tấn công dã man nhằm vào Libi.

Trong bối cảnh Mỹ đang chuyển giao việc chỉ huy chiến dịch cho NATO, một số nhà phân tích cho rằng việc chuyển giao này có thể làm giảm bớt các cuộc không kích Libi vì một số thành viên trong NATO đã có kế hoạch chỉ tham gia hoạt động tuần tra trên không và không tham gia tác chiến.

Đằng sau Hội nghị quốc tế về Libi ở Luân Đôn

Chiều 29/3 (tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), Anh đã đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Libi với sự tham dự của đại diện cấp cao của khoảng 35 nước và tổ chức quốc tế (ngoài các nước tham gia liên quân còn có các thành viên NATO, các tổ chức LHQ, Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arập (AL) cùng một số nước Trung Đông như Cata, Irắc, Gioócđani, Tuynidi...). Tuy nhiên, hội nghị không có sự góp mặt của Nga - thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ đã kịch liệt phản đối cuộc tấn công vào Libi vì cho rằng nó vượt quá giới hạn LHQ cho phép.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi “một sự khởi đầu mới cho Libi” và nói rằng sự có mặt của các nhà lãnh đạo quốc tế tại hội nghị là do “người dân Libi không thể tự mình đi tới tương lai”.

Biểu tình bên ngoài Hội nghị quốc tế về Libi ở Luân Đôn ngày 29/3.


Về mục đích của hội nghị, nước chủ nhà thông báo, các bên sẽ thảo luận về những bước đi tiếp theo tại Libi sau khi lực lượng nổi dậy giành thêm ưu thế trước lực lượng chính phủ, nhờ được hỗ trợ từ các cuộc không kích của liên quân. Hội nghị cũng nhằm mở rộng và tăng cường cam kết của cộng đồng quốc tế về thực hiện Nghị quyết 1973 của LHQ, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của viện trợ khẩn cấp để tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia có 6 triệu dân này.

Các nhà phân tích cho rằng, ngoài những mục đích công khai như đã nói ở trên, các nước tham chiến ở Libi, chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ còn có nhiều mục đích khác phía sau không tiện nói ra. Thông qua hội nghị này, họ muốn lôi kéo thêm sự ủng hộ của dư luận và đồng minh trong cuộc chiến Libi, rằng cuộc tấn công này là một nỗ lực của “cộng đồng quốc tế”. Họ cũng mong muốn sau hội nghị sẽ lập ra được một “ban liên lạc” giữa các bên để tiện theo dõi và trao đổi về tình hình Libi.

Ngoài ra, với việc chọn địa điểm là Luân Đôn để tổ chức hội nghị, chứ không phải là Oasinhtơn hoặc trụ sở của NATO, và chủ trì hội nghị là Ngoại trưởng Anh chứ không phải Ngoại trưởng Mỹ, liên quân phương Tây muốn chứng tỏ rằng chiến dịch quân sự nhằm vào Libi không phải do Mỹ chủ trì. Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc tấn công quân sự của liên quân ở Libi cho tới nay chủ yếu vẫn do Mỹ thực hiện, bởi khả năng quân sự và tài chính của cả Anh và Pháp, hai nước đi đầu trong cuộc chiến này, không cho phép họ làm điều đó.

Để biện minh cho sự can dự của Mỹ vào chiến dịch chống Libi, trong bài phát biểu được truyền hình toàn quốc ngay trước đêm diễn ra Hội nghị quốc tế ở Luân Đôn, Tổng thống Barack Obama cho rằng Oasinhtơn có trách nhiệm phải hành động bởi những lợi ích và giá trị của Mỹ đang lâm nguy. Ông nói thêm, NATO sẽ tiếp nhận toàn quyền chỉ huy chiến dịch quân sự của liên quân ở Libi từ ngày 30/3; Mỹ sẽ giảm bớt sự can dự vào Libi và sẽ đóng vai trò hỗ trợ hậu cần, tình báo, tìm kiếm cứu nạn, nhờ đó nguy cơ và phí tổn đối với quân đội Mỹ sẽ được “giảm đáng kể”.

Bài phát biểu của ông Obama bị đánh giá là chưa trả lời được những câu hỏi căn bản của dư luận Mỹ như sứ mệnh cụ thể của Mỹ trong chiến dịch tấn công Libi, phí tổn cho hành động quân sự này, chiến lược để buộc nhà lãnh đạo Libi Kadhafi phải ra đi như Mỹ và các đồng minh tuyên bố cũng như chính sách của Oasinhtơn đối với khu vực Trung Đông và Bắc Phi đang chìm trong bất ổn và bạo lực…

Trong khi đó, các tổ chức yêu chuộng hòa bình đã tập trung biểu tình bên ngoài khu vực diễn ra Hội nghị quốc tế về Libi nhằm phản đối chiến dịch quân sự mà họ cho là “dùng bom đạn để áp đặt thay đổi thể chế”. Ông Kate Hudson, Tổng thư ký Phong trào Giải giáp Hạt nhân, nói: “NATO nói rằng họ ‘trung lập’, nhưng giờ đây lại tiếp tục tấn công các lực lượng của chính phủ trước khi phe nổi dậy tấn công”.

Các cuộc thăm dò dư luận ở Anh cũng cho thấy, đa số người dân không đồng tình với việc chính phủ tham gia tấn công Libi và 71% lo ngại chính phủ Anh sẽ sa vào một cuộc chiến tranh kéo dài tương tự như cuộc chiến Irắc.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh) – Minh Dương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN