Politico: EU vẫn nhận vaccine COVID-19 tới năm 2027 sau khi bỏ phí hàng trăm triệu liều

Một phân tích của tờ Politico cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phí hơn 200 triệu mũi vaccine COVID-19, trị giá 4 tỷ euro trong khi các nước thuộc khối này vẫn phải nhận vaccine theo hợp đồng cho đến năm 2027.

Chú thích ảnh
Các nước EU đã mua 1,5 tỷ liều vaccine COVID-19, nhưng hàng triệu liều trong số đó không được sử dụng. Ảnh minh hoạ: AFP/Getty Images

Một phân tích của tờ Politico tiết lộ, ít nhất 215 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được các nước EU mua vào thời đỉnh điểm của đại dịch đã bị vứt bỏ với thiệt hại ước tính của người nộp thuế là 4 tỷ euro. Và đó gần như chắc chắn vẫn là một con số đánh giá thấp.

Kể từ khi vaccine ngừa virus Corona đầu tiên được phê duyệt vào cuối năm 2020, các nước EU đã tiếp nhận 1,5 tỷ liều (trung bình mỗi người dân ở châu Âu có hơn 3 liều). Một lượng lớn trong số này hiện nằm ở các bãi rác trên khắp lục địa.

Các tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có cho thấy các nước EU đã loại bỏ trung bình 0,7 liều vaccine tính trên đầu người. Đứng đầu là Estonia, quốc gia đã bỏ đi trung bình hơn 1 liều/người, tiếp theo là Đức, quốc gia cũng đã loại bỏ số lượng vaccine lớn nhất.

Nếu tỷ lệ lãng phí trung bình này được dự đoán trên toàn bộ phần còn lại của EU, nó sẽ tương đương với hơn 312 triệu vaccine bị vứt bỏ.

Tuy nhiên không dễ để xác định chính xác có bao nhiêu liều vaccine đã bị thải bỏ. Các chính phủ, bao gồm cả nước đông dân thứ hai trong EU là Pháp, không muốn tiết lộ quy mô của số chất thải này.

Các tính toán của Politico dựa trên số liệu từ 19 quốc gia châu Âu – trong đó 15 quốc gia cung cấp số liệu trực tiếp và 4 quốc gia có các con số được báo cáo nhiều trên các phương tiện truyền thông địa phương. Một số số liệu có gần đây nhất là trong tháng này và xa nhất là từ tháng 12/2022.

Thời gian trôi qua kể từ đó có nghĩa là những con số mà Politico nhận được chưa được cập nhật và số lượng vaccine bị loại bỏ thực tế có thể cao hơn nhiều.

Ví dụ, Đức đã cung cấp số liệu về vaccine đổ bỏ của mình cho Politico vào tháng 6; vào thời điểm đó họ còn có 120 triệu vaccine khác đang được lưu trữ. Kể từ đó, các nhà sản xuất vaccine cũng đã giới thiệu các phiên bản mới hơn thích ứng với các biến thể virus Corona mới nhất, khiến các loại vaccine cũ trở nên lỗi thời và có nhiều khả năng bị loại bỏ.

Tờ Politico ước tính giá trị của 215 triệu liều vaccine bị lãng phí là hơn 4 tỷ euro, dựa trên giá vaccine được đưa trên các phương tiện truyền thông. Đối với những quốc gia chỉ báo cáo tổng số vaccine bị tiêu hủy mà không chia nhỏ theo loại vaccine, họ sử dụng mức giá trung bình là 19,39 euro, được tính toán từ dữ liệu do các quốc gia cung cấp số liệu chi tiết.

Con số 4 tỷ euro là ước tính tối thiểu, nhưng ngay cả như vậy, đó cũng là một số tiền khổng lồ.

Nhiều loại vaccine được đề cập đã được mua ở thời điểm đỉnh điểm của đại dịch vào năm 2021 khi EU, Mỹ và Anh đều đang cố gắng đảm bảo số lượng liều vaccine hạn chế. Chính trong khoảng thời gian “nước sôi lửa bỏng” đó, EU đã ký kết hợp đồng lớn duy nhất của mình để mua 1,1 tỷ liều vaccine từ Pfizer và BioNTech.

Thoả thuận của EU được ca ngợi vào thời điểm đó. Nhưng thực tế thì cả quy mô và thời gian của thỏa thuận đều có vấn đề. Các quốc gia đã buộc phải mua vaccine ngay cả khi đại dịch lắng xuống, trong khi nỗ lực quyên góp số lượng thuốc dư thừa cho các nước thứ ba bị cản trở do nhu cầu giảm và các vấn đề hậu cần.

Các câu hỏi xung quanh việc đàm phán hợp đồng lớn với Pfizer như thế nào đã đeo bám Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kể từ khi tờ New York Times đưa tin rằng người đứng đầu EU đã trao đổi tin nhắn với Giám đốc điều hành của Pfizer trong thời gian chuẩn bị cho thỏa thuận.

Hợp đồng trên cuối cùng được Ủy ban châu Âu đàm phán lại dưới áp lực từ các nước EU đang gặp phải tình trạng dư thừa vaccine. Cả Ba Lan và Hungary đều ngừng nhận vaccine và đang bị Pfizer kiện vì không thanh toán. Tại Romania, các công tố viên muốn dỡ bỏ quyền miễn trừ đối với cựu thủ tướng và hai cựu bộ trưởng y tế, cho rằng việc mua vaccine quá mức đã gây ra thiệt hại hơn 1 tỷ euro cho nhà nước.

Trong khi đó, các đợt giao vaccine vẫn tiếp tục diễn ra, với hợp đồng sửa đổi với Pfizer buộc các nước châu Âu mua vaccinen cho đến ít nhất là năm 2027.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Trung Quốc: Phát triển vaccine hít dạng bột mới, phòng các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp
Trung Quốc: Phát triển vaccine hít dạng bột mới, phòng các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp

Các nhà nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đã phát triển công nghệ vaccine hít dạng bột khô đơn liều, với cấu trúc đa cấp “Navitas phức hợp”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN