Phong tỏa chống COVID-19 có liên quan đến lượng mưa kỷ lục ở Trung Quốc

Các nhà khoa học tin rằng sự sụt giảm lượng khí thải đột ngột trong thời gian phong tỏa đã đóng vai trò quan trọng đối với lượng mưa lớn kỷ lục ở Trung Quốc năm 2020.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã đưa ra giả thuyết mới cho trận lũ lụt lịch sử ở miền Đông Trung Quốc vào tháng 6 - 7 năm 2020. Hàng trăm người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải sơ tán vì lượng mưa kỷ lục. 

Họ cho rằng việc người dân dừng phần lớn hoạt động trong thời gian phong tỏa chống COVID-19 đã làm giảm đột ngột lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hạt sol khí là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan này.

Cụ thể, sự suy giảm khí nhà kính và các hạt sol khí đã gây thay đổi khí quyển, tăng cường tần suất của các trận mưa như trút nước.

Các nhà nghiên cứu cho biết việc giảm lượng khí thải đã đóng góp khoảng 1/3 lượng mưa trong mùa hè năm 2020. Tại thời điểm tháng 6 và tháng 7 năm đó, sông Dương Tử đã đón lượng mưa lớn nhất kể từ năm 1961, tăng 79% so với mức trung bình của 41 năm.

Tuy nhiên, việc cắt giảm lượng khí thải theo lộ trình ổn định trong thời gian dài không thể gây ra các sự kiện tương tự.

Trong nghiên cứu của mình, các tác giả chỉ ra rằng trong bốn thập kỷ qua, lượng mưa mùa hè ở miền Đông và miền trung Trung Quốc đã giảm đáng kể do sự gia tăng số lượng sol khí trong khí quyển.
Những hạt này, thường liên quan đến việc đốt than, có thể làm giảm sự xuất hiện của các cơn bão quy mô lớn, dẫn đến lượng mưa thấp hơn.

Nghiên cứu mới lại chỉ ra rằng sự vắng mặt của các hạt sol khí và khí thải nhà kính năm 2020 đã gây ra tác động ngược lại: làm tăng lượng mưa lớn. Tuy nhiên, chuỗi liên kết giữa việc phong tỏa với lũ lụt khá phức tạp.

Giáo sư Yang Yang tại Đại học Công nghệ và Khoa học Thông tin Nam Kinh giải thích rằng trên đất liền nóng lên do giảm sol khí nhưng đại dương lại hạ nhiệt do giảm khí nhà kính. Hiện tượng này làm tăng sự chênh lệch nhiệt độ trên đất liền và nước biển vào mùa hè. Nó cũng làm tăng áp suất mực nước biển trên Biển Đông và Biển Philippines và tăng cường gió mang không khí ẩm đến miền Đông Trung Quốc, sau đó dẫn đến mưa dữ dội kéo dài. 

Hầu hết các chính phủ trên thế giới đang tìm cách giảm phát thải khí nhà kính và sol khí thông qua chính sách chuyển đổi hệ thống năng lượng hay từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Liệu sự thay đổi này có gây ra bất kỳ mối nguy hiểm nào như những gì đã trải qua ở Trung Quốc năm 2020?

Giáo sư Yang cho hay vì lượng khí thải đã giảm đáng kể vào đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nó gây ra sự thay đổi ngay lập tức và đột ngột trong các thành phần khác nhau của hệ thống khí hậu.

Và sự thay đổi đột ngột đó sẽ rất khác với những biện pháp thay đổi để đáp ứng với việc cắt giảm khí thải theo hướng từ từ.

Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo BBC)
Những người không may tái mắc COVID-19 tại Australia
Những người không may tái mắc COVID-19 tại Australia

Trong khi nhiều người cho rằng cơ thể sẽ sản sinh kháng thể miễn dịch sau khi mắc COVID-19, các chuyên gia cho biết biến thể Omicron đã gây ra làn sóng tái nhiễm virus tại Australia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN