Pháp lúng túng bán chiến hạm Mistral cho Nga

Theo thỏa thuận song phương, Pháp phải bàn giao một trong hai tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral cho Nga vào tháng 10/2014. Tuy nhiên, dưới sức ép mạnh mẽ của các đồng minh, việc có thực hiện đúng hợp đồng hay không đang là một vấn đề khiến Pháp đau đầu trong bối cảnh nhiều nước phương Tây quyết định gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.

 

Một tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral.

 

Theo tờ "Le Monde" và nhiều báo Pháp khác, Tổng thống François Hollande đã quyết định bàn giao chiếc tàu Mistral đầu tiên (đã thanh toán tiền) cho Nga song việc có bàn giao chiếc thứ hai hay không vẫn là vấn đề đang được bỏ ngỏ. Theo hợp đồng giữa hai nước, đàm phán từ năm 2008 và ký chính thức tháng 6/2011, Pháp đóng và bán cho Nga hai tàu hiện đại trị giá 1,2 tỉ euro này. Việc đóng tàu do công ty DCNS đặt tại Saint - Nazaire (Loire - Atlantique) đảm nhận. Nội dung hợp đồng quy định có chuyển giao công nghệ Pháp với trị giá 220 triệu euro và thực hiện một chương trình đào tạo liên quan cho các thủy thủ đoàn của Nga. Hai tàu tấn công đổ bộ hiện đại này được Moskva đặt tên là Vladivostok và Sebastopol.


Theo hợp đồng, chiếc thứ nhất phải được bàn giao vào cuối năm 2014. Thực tế, việc lắp ráp đã được phía Pháp hoàn thành vào hè 2013 và các thử nghiệm đầu tiên đã được thực hiện từ đầu tháng 3/2014. Các thủy thủ Nga đã bắt đầu các bài huấn luyện trên tàu. Chiếc thứ hai, tàu Sebastopol, lấy tên một thành phố ở Crimea, một tỉnh vừa được sáp nhập vào Nga, sẽ được bàn giao vào cuối năm 2016. Các công trình đóng hai tàu chiến này đã tạo hơn 1.000 việc làm cho phía Pháp. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra thuận lợi cho công nghiệp quốc phòng và chính giới Pháp. Trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt Nga áp đặt sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã từng nêu khả năng đình chỉ việc bàn giao cả hai chiến hạm nói trên cho Nga.


Nhiều biện pháp trừng phạt Nga đã được EU thông qua đã gây hệ lụy thực sự cho hợp đồng quân sự giữa Pháp và Nga. Đã có một số lãnh đạo chủ chốt của EU và đồng minh của Pháp bày tỏ thái độ khó chịu đối với thỏa thuận mua bán trên. Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh việc bàn giao chiến hạm sẽ là "một sự kiện không thể tưởng tượng được", trong khi tại Washington nhiều quan chức Mỹ chia sẻ lo ngại của Tổng thống Barack Obama và công khai phản đối mọi ý định bàn giao sản phẩm của đồng minh Pháp. Ngay tại Paris và trong đảng Xã hội cũng có những tiếng nói phê phán các ý định thực hiện hợp đồng của chính phủ.


Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc sở hữu hai chiến hạm hiện đại Mistral có ý nghĩa quan trọng. Được coi là "đặc sản" của công nghiệp quốc phòng Pháp, tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral được đánh giá là chiến hạm rất đa năng, có thể tấn công và thực hiện các chức năng chỉ huy, binh vận và như một bệnh viện dã chiến.


Mặc dù phát triển rất nhiều loại tàu cho hải quân nhưng thực tế, Nga chưa có bất cứ chiến hạm nào theo kiểu Mistral. Hơn nữa, Nga cũng đặc biệt quan tâm đến các trang thiết bị công nghệ cao được trang bị trên hai chiến hạm mua của Pháp. Đây là lý do khiến NATO từng tỏ ra hết sức lo ngại đối với các điều khoản chuyển giao công nghệ mà Pháp đồng ý với Nga trong quá trình đàm phán hợp đồng. Nhìn tổng thể, Nga đang tìm mọi cách hiện đại hóa lực lượng hải quân. Điều này khiến nhiều chuyên gia quân sự phương Tây nghi ngờ ý đồ sử dụng tàu chiến và công nghệ chiến hạm của Pháp để bổ sung cho tham vọng khẳng định sức mạnh cường quốc của mình.


Vậy tại sao Pháp vẫn nuôi ý định bảo lưu hợp đồng chuyển giao đã ký với Nga? Đơn giản, trong bối cảnh kinh tế chưa thoát khỏi khủng hoảng và mọi nỗ lực tạo việc làm đều mang lại một hiệu ứng tâm lý tích cực của người dân đối với chính phủ, hợp đồng với Nga tạo hơn 1.000 việc làm là một vấn đề rất đáng lưu ý. Số lao động liên quan sẽ trực tiếp bị đe dọa nếu việc bàn giao tàu thứ hai không được thực hiện.


Hơn nữa Pháp cũng gặp rủi ro tài chính nghiêm trọng vì nếu hủy hợp đồng giao chiến hạm đầu tiên, Pháp sẽ phải hoàn trả Nga một tỉ euro như Tổng thống Hollande từng miễn cưỡng đề cập. Vì vậy, ông đã phải quyết định bàn giao chiếc Mistral thứ nhất theo đúng hợp đồng bất chấp sức ép của các đồng minh. Chiếc thứ hai sẽ được xử lý "tùy theo thái độ của Nga" đối với việc giải quyết khủng hoảng tại Ukraine. Tổng thống Pháp cũng từng ngỏ ý rằng nếu phải lựa chọn biện pháp trừng phạt liên quan thì điều này phải diễn ra ở cấp độ Hội đồng châu Âu và chỉ có thể nhằm vào các trang thiết bị quân sự trong tương lai mà thôi. Với những suy nghĩ như vậy, có vẻ như nước Nga của Putin sẽ nhận được cả hai chiến hạm Mistral đúng như hợp đồng đã ký.


Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Pháp)

Mỹ phản đối vụ Pháp bán tàu chiến cho Nga
Mỹ phản đối vụ Pháp bán tàu chiến cho Nga

Mỹ tuyên bố vụ việc này là điều hoàn toàn không thích hợp, nhất là trong bối cảnh các nước phương Tây đặt dấu hỏi về vai trò của Moskva trong cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN